Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. 

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Trong những năm qua cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Trong đó công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân; công tác hợp tác quốc tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực… công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người đi vào nề nếp… 

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay (như về các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán); nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội…

Cùng với đó, cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản)...; đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, do đó việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là cần thiết.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Cùng với mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người.

Hoàn thiện một bước pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, bảo đảm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Bảo đảm đồng bộ của Luật Phòng, chống mua bán người với quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quan tâm nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ hơn đối với các đối tượng là nạn nhân của mua bán người.

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống mua bán người; phân tích, đánh giá tổng thể tình hình phòng, chống mua bán người trong thời gian qua; từ đó, đưa ra những giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân…. Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba. 

Mua bán người ở nước ta xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước (tuy chưa có số liệu khảo sát cụ thể nhưng đã phát hiện, điều tra các vụ lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động trên tàu cá hoạt động trên biển...), song chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ mua bán người), tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga… bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng Liên Hợp quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 270 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán), cứ 10 người di cư vào Châu Âu thì có 9 người là nạn nhân của các đường dây buôn người; mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê - Kông, trong đó có Việt Nam là “điểm nóng” của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, chiếm khoảng 70% (55% là phụ nữ, trẻ em gái và 45% là nam giới).

P.V