Với sự hiểu biết pháp luật và lương tâm của mình, TS. Vũ Thị Phương Lan - Trưởng Bộ môn Tư pháp Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội thấy có nhiều băn khoăn muốn chia sẻ về phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Điều mà nhà khoa học này quan tâm nhiều hơn cả là một nền tư pháp Việt Nam thực sự bảo vệ công lý và cho thấy công lý hiện diện trong xã hội.

Theo TS Vũ Thị Phương Lan, cho dù thực sự Hồ Duy Hải là có tội đi chăng nữa thì cũng phải được xét xử công bằng và chỉ có xét xử công bằng của một nền tư pháp vì công lý đích thực mới có thể kết tội Hồ Duy Hải hay bất kỳ ai khác.

TS Vũ Thị Phương Lan đã gửi bài viết dưới đây tới Báo Bảo vệ pháp luật. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
1. Tính hợp pháp của kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao
Một vấn đề được Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tối cao nêu ra là kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao không đúng quy định của pháp luật vì Chủ tịch nước đã có Quyết định 639/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Hàm ý ở đây là khi Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm án tử hình thì Viện trưởng VKSND tối cao không được quyền kháng nghị.

Tôi cho rằng, không thể đem Quyết định của Chủ tịch nước để quy chiếu tính hợp pháp của quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao bởi vì chức năng của hai cơ quan này là khác nhau và nội dung của hai văn bản đề cập tới những khía cạnh khác nhau, dù về cùng một vụ việc.

Chủ tịch nước là nguyên thủ Quốc gia chứ không phải cơ quan tố tụng. Hiến pháp, pháp luật trao cho Chủ tịch nước quyền ân giảm đối với tội phạm chứ không phải khẳng định một người có tội hay không. Khi Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm thì vấn đề có tội hay không có tội đã được Tòa án quyết định, có hiệu lực và Chủ tịch nước tôn trọng điều đó. Chủ tịch nước chỉ xem xét với những tình tiết nhân thân thì người phạm tội đó có đáng được ân giảm hay không. Quyết định không ân giảm của Chủ tịch nước không có nghĩa là lời khẳng định quyết định buộc tội tử hình của Tòa án là đúng.

Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện quyền kháng nghị của mình theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyền kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào, đối với các bản án của Tòa án mà VKS cho là sai, có thể là sai về tố tụng hoặc áp dụng pháp luật nội dung.

Trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải, VKSND tối cao có thể cho rằng, thủ tục tố tụng đã bị vi phạm nghiêm trọng và/hoặc phán quyết của Tòa án cấp dưới không có cơ sở. Khi Viện trưởng VKSND tối cao đưa kháng nghị thì Tòa án phải xem lại bản án cấp dưới có thực sự sai không, mặc dù cuối cùng có thể vẫn cho rằng bản án đó đúng. Quyền kháng nghị của VKS được thực hiện như là một phép kiểm tra đối với việc xét xử của Tòa án. Đó là một điểm tuyệt vời trong hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam.

Ở đây tôi muốn nói rằng, cơ sở pháp lý của kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là Hiến pháp và các luật liên quan. Viện trưởng VKSND tối cao hoàn toàn có quyền kháng nghị ngay cả khi Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn ân giảm án tử hình. Trường hợp VKSND tối cao kháng nghị đúng, người tử tù được tuyên không có tội thì cũng không có nghĩa là Chủ tịch nước đã ra quyết định sai. Đặt câu hỏi VKSND tối cao kháng nghị có đúng không khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình là một câu hỏi không phù hợp.

2. Sự độc lập của Hội đồng xét xử

Nhiều ý kiến nêu, liệu HĐXX trong trường hợp này là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có độc lập không khi Chủ tọa Hội đồng đó - người đồng thời là Chánh án TAND tối cao, trước đây là Viện trưởng VKSND tối cao và đã từng ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm trong cùng vụ án? Quan điểm của tôi cho rằng ý kiến này là có cơ sở.

Tòa án và VKSND thực hiện chức năng khác nhau nhưng lại giải quyết các vấn đề giống nhau khi thụ lý cùng một vụ việc. Cụ thể, trong vụ việc giám đốc thẩm này: Trước đây khi hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm gửi lên Viện trưởng VKSND tối cao thì vấn đề mà Viện trưởng VKSND tối cao phải xem xét là liệu bản án của Tòa án có bị sai không và nếu sai thì có đáng để kháng nghị không. Khi quyết định kháng nghị tức là Viện trưởng đã cho rằng có sai sót trong đó, còn nếu quyết định không kháng nghị có nghĩa là Viện trưởng đã cho rằng không có sai sót trong đó hoặc có sai nhưng không đáng để nêu vấn đề.

Bây giờ, khi xét xử giám đốc thẩm thì HĐXX cũng giải quyết chính vấn đề đó, trả lời đúng câu hỏi đó, tức là bản án cấp dưới (trong đó có cả quy trình tố tụng) có sai sót không, trong trường hợp có sai sót thì có đáng bị hủy hay không?

Cùng một người, nếu trước đây đã cho rằng, bản án không sai thì bây giờ sao có thể phủ định chính mình khi trả lời câu hỏi tương tự trong khi vụ án không có tình tiết mới. Điều này chẳng khác nào “chưa xét xử thì quan điểm của vị Chủ tọa HĐXX đã được ấn định”.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND tối cao tại phiên xét xử giám đốc thẩm. 

3. Về vấn đề “có sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”

Câu hỏi đầu tiên mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nêu để biểu quyết trong vụ án Hồ Duy Hải là “Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?”. 17/17 thành viên biểu quyết là “Không thay đổi bản chất vụ án”. Đặt ra câu hỏi này để biểu quyết, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã mắc một số sai lầm.

Thứ nhất, với câu hỏi đó, thông điệp mà cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam truyền đi là dù quá trình xét xử có vi phạm tố tụng thì bản án vẫn được công nhận, nếu Hội đồng giám đốc thẩm tin rằng người đó có tội.

Không rõ từ khi nào Tòa án lại xem nhẹ pháp luật tố tụng đến vậy. Bất cứ ai học luật từ bậc học cử nhân đều hiểu rằng công lý được bảo đảm bằng pháp luật tố tụng. Đứng trước một vụ án hình sự, bao giờ phía nạn nhân và phía buộc tội cũng muốn bị cáo phải bị kết tội và chịu án nghiêm khắc. Đối với họ, như vậy mới là công lý. Còn đối với phía bị cáo và gia đình bị cáo thì phải tuyên vô tội hay có tội với hình phạt nhẹ hơn mới là công lý.

leftcenterrightdel
TS Vũ Thị Phương Lan: "Cho dù thực sự Hồ Duy Hải là có tội đi chăng nữa thì cũng phải được xét xử công bằng và chỉ có xét xử công bằng của một nền tư pháp vì công lý đích thực mới có thể kết tội Hồ Duy Hải hay bất kỳ ai khác". 

Như vậy, công lý không nằm ở có tội hay không có tội, hình phạt nặng hay nhẹ mà ở chỗ thủ tục điều tra, truy tố, xét xử có công bằng không, người bị buộc tội có được bảo đảm quyền tố tụng của mình không, chứng cứ có đủ cơ sở để buộc tội không… Đó là lý do tại sao vi phạm pháp luật tố tụng có thể dẫn tới hủy án. Sai sót về tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải phải được xem xét nghiêm túc từ chính nó, để cân nhắc có hủy án hay không. Không thể lấy cái gọi là “bản chất vụ án không thay đổi” để biện minh và sau đó là bỏ qua cho sai sót về tố tụng.

Thứ hai, đặt câu hỏi như vậy Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã đi lạc đề vì nó không phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm không phải là xem xét người bị buộc tội thực sự có tội hay không, đó là nhiệm vụ của Tòa án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm là xem xét bản án cấp dưới có sai không và nếu sai thì có bị hủy không.

Cái sai ở đây có thể về thủ tục tố tụng trong quá trình từ điều tra đến xét xử hoặc sai về áp dụng pháp luật. Như vậy, câu hỏi mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần đặt ra phải là “Với những sai sót trong tố tụng của vụ án Hồ Duy Hải, kéo theo đó là sự không hợp lệ của một số chứng cứ như đã nêu thì liệu có đủ cơ sở để buộc tội Hồ Duy Hải như bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã làm không?”.

Nói cách khác, TAND tối cao cần loại bỏ tất cả những chứng cứ thu thập có vi phạm thủ tục tố tụng và đặt câu hỏi: “Với tất cả các chứng cứ còn lại thì liệu có đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải phạm tội không?”. Nếu đặt đúng câu hỏi như vậy thì câu trả lời “Không đủ cơ sở” là hết sức rõ ràng, bởi chỉ cần qua thông tin trên báo chí cũng có thể thấy các chứng cứ được thu thập một cách trái pháp luật đều là những chứng cứ chủ chốt để Tòa án dựa vào đó buộc tội Hồ Duy Hải.

Thứ ba, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quá chú trọng đến chuyện Hồ Duy Hải có tội hay không có tội mà quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất của xét xử giám đốc thẩm là nêu và chấn chỉnh những cái sai trong quá trình tố tụng hình sự và sai trong áp dụng pháp luật hình sự trong xét xử.

Nói cách khác, nhiệm vụ của xét xử giám đốc thẩm là giải thích pháp luật để làm rõ cái đúng cái sai trong quá trình tố tụng và trong quá trình xét xử. Tư duy của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, do đó, không chỉ bó hẹp trong vụ việc cụ thể mà phải ở tầm bao quát hơn để “chữa lỗi” của các cơ quan tố tụng nếu có.

Chỉ ra cái sai của cơ quan tố tụng và bản án cấp dưới không có nghĩa là phơi ra điểm yếu của hệ thống tư pháp. Chưa cần nói tới việc Hồ Duy Hải có bị oan hay không, nếu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy bản án đã kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải do vi phạm tố tụng thì tác động sẽ như thế nào?

Bên cạnh chuyện chỉ ra cái đúng, cái sai thì điều đó sẽ chứng tỏ rằng, công lý của nền tư pháp Việt Nam đã được thực thi cho dù cơ quan tố tụng cấp dưới đã có những sai sót. Xã hội sẽ thấy đó là một phần trong cơ chế xét xử công bằng của hệ thống Tòa án. Tuyệt vời hơn, nó sẽ truyền đi thông điệp rằng các cơ quan tố tụng cấp dưới từ cơ quan điều tra, công tố tới xét xử phải tự hoàn thiện mình trong quá tình tiến hành tố tụng bởi đối với TAND Tối cao, vi phạm tố tụng là vi phạm nghiêm trọng và sẽ đem lại hậu quả pháp lý. Đó mới là việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần phải làm cho xã hội. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hãy quan tâm nhiều hơn đến việc chấn chỉnh và chữa các lỗi do sai sót trong quá trình tố tụng thay vì chỉ băn khoăn với câu hỏi liệu bị cáo có thực sự phạm tội hay không?

Thật đáng tiếc phải nói rằng, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải là một bản án thực sự chưa thể hiện công lý.

CÓ VỤ ÁN 3 LẦN BỊ HỦY "VÌ CÓ VI PHẠM TỐ TỤNG", NHƯNG VÌ SAO VỤ ÁN HỒ DUY HẢI LẠI "0" HỦY ?

Vụ “Dùng nhục hình” ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, anh N.T.T bị tình nghi tham gia trộm cắp tài sản, nên ngày 16/11/2012, CQĐT Cao Lãnh bắt anh T. đem về trụ sở, trưa ngày hôm sau anh T. tử vong. Trên cơ thể nạn nhân đầy vết thương do bị vật cứng tác động với một lực rất mạnh gây ra và nặng nhất là vùng ức và thượng vị. Sau cái chết đau đớn của nạn nhân, 2 Điều tra viên là Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình bị xử lý hình sự.

Nhân chứng khai thấy có 4 người tham gia đánh anh T., nhưng vì chỉ chứng minh được 2 vị ấy có làm việc với nạn nhân, nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý được 2 vị này, Huỳnh Ngọc Tòng bị  phạt 18 tháng tù, Phạm Xuân Bình bị bị phạt 11 tháng 11 ngày tù. Vụ án đã 3 lần bị Tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án vì có vi phạm tố tụng và chứng cứ mà cấp sơ thẩm sử dụng buộc tội chỉ có lời khai bị cáo Bình, còn diễn biến ai đánh, đánh như thế nào chưa được làm rõ, đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong. Vụ án trên thì Tòa án hủy án để điều tra, xét xử lại đến 3 lần, nhưng tại sao vụ án Hồ Duy Hải với hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao một mực kết luận là "xét xử đúng người, đúng tội, đúng mức án"?

(Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Tài)


VKS KHẲNG ĐỊNH “CÓ NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG”, NHƯNG 4 LẦN TÒA BIỂU QUYẾT NGƯỢC LẠI

Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra vụ giết người, nạn nhân là hai nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân chết do bị cắt cổ. Qua hai cấp xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008 và phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là Tử hình.

VKSND tối cao nhận thấy đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất Tử hình nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp, trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (có lúc nhận tội, lúc khác lại kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác; nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ và có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.

Hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng phải kể đến:

Một là, chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án vì nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19h39'22" có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện, nhưng vào lúc 19h13', Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ, việc tiêu thụ thời gian sau đó thể hiện Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19h39'22". Nội dung này rất quan trọng cần làm rõ nên tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao cho rằng phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại.

Hai là, quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có 2 dấu thu tại trên cửa kính và Lavabo, kết quả giám định không phải của bị cáo nhưng chưa làm rõ của ai; các tài liệu thu giữ dấu vân tay và truy nguyên dấu vân tay cũng không có trong hồ sơ vụ án.

Ba là, chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm tử thi (mô tả mẫu thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi).

Bốn là, chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không.

Năm là, chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm không nêu những vi phạm này.

Sáu là, có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đặc biệt là bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay, cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm, trưa ngày 8/5, Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành lấy biểu quyết 4 vấn đề cụ thể.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Với nhận định như trên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định: “Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

BVPL

 

TS. Vũ Thị Phương Lan - Trưởng Bộ môn Tư pháp Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội