leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Thứ nhất, xin ân giảm án tử hình là quyền lợi của người bị kết án tử hình thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước và việc xem xét ân giảm án tử hình không được coi là một giai đoạn tố tụng hình sự, bởi lẽ theo lý luận tố tụng hình sự, bất kỳ giai đoạn tố tụng hình sự nào cũng đều phải gắn liền với các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, mặc dù ân giảm án tử hình được quy định trong nội dung của một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), nhưng việc quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị kết án tử hình.

Cũng vì những lí do trên, Quyết định số 639 ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải không thể coi là một quyết định tố tụng hình sự. Theo đó, Công văn ngày 29/7/2019 của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải là căn cứ hợp pháp cho thấy Quyết định số 639 đã hết hiệu lực.

Các thủ tục tố tụng phát sinh sau đó bao gồm: Biên bản hoãn thi hành án tử hình, Quyết định hoãn thi hành án tử hình, Biên bản bàn giao người được hoãn thi hành án tử hình,… đều thể hiện tính hết hiệu lực của Quyết định số 639 nói trên.

Thứ hai, không có quy định nào trong pháp luật tố tụng hình sự ấn định rằng Viện trưởng VKSND tối cao không được quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình. Đồng thời, khoản 2 Điều 379 BLTTHS năm 2015 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cũng quy định như sau: 

2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Như vậy, giả sử trường hợp quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đã có hiệu lực và đồng thời bị cáo đã bị tử hình thì việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án vẫn có thể được tiến hành bất cứ lúc nào để minh oan cho họ.

Do đó, liên hệ với vụ án Hồ Duy Hải, ngay cả nếu Quyết định số 639 ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thì đây cũng không thể là căn cứ cho rằng Viện trưởng VKSND tối cao không được quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ ba, khoản 2 Điều 394 BLTTHS năm 2015 quy định về nội dung quyết định giám đốc thẩm, trong đó tại các điểm e, g, h, i điều này quy định các nội dung sau:

“e) Tóm tắt nội dung vụ án, phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

g) Quyết định kháng nghị, căn cứ kháng nghị;

h) Nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;

i) Điểm, khoản, điều của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự mà Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định.

Như vậy, liên hệ với vụ án Hồ Duy Hải, khi xem xét các căn cứ ra quyết định giám đốc thẩm, nếu Hội đồng Thẩm phán xét thấy kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao là không đúng với các quy định của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán phải ra quyết định không chấp nhận kháng nghị và không mở phiên toà giám đốc thẩm để xét xử vụ án này.

Do đó, việc Hội đồng Thẩm phán ra Quyết định giám đốc thẩm ngày 06/5/2020 và tiến hành xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đồng nghĩa với việc đã chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là có căn cứ và đúng pháp luật./.

Nguyễn Hoàng Chi Mai
(Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)