Mỗi năm cả nước có hơn 1.400 vụ xâm hại tình dục trẻ em
Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp, liên tiếp nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện gây xôn xao dư luận, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình.
Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé độ tuổi mầm non; có vụ hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục học sinh; người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi; một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như: cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả người nước ngoài, đã xuất hiện thủ đoạn xâm hại tình dục trẻ em có liên quan đến mạng Intenet.
|
|
Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị do VKSND tối cao phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức. |
Qua số liệu thống kê các vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy: Từ năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2020, trên toàn quốc xảy ra 7.798 vụ; 7.975 đối tượng; 7.869 bị hại. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm khoảng 80% tổng số vụ xâm hại trẻ em, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.400 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với khoảng 1.430 nạn nhân bị xâm hại.
Mặc dù những vụ đã phát hiện được điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn còn một số vụ kéo dài, do không thu thập được hoặc thu thập không đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra xử lý được đối tượng. Không những thế, tội phạm ẩn trong nhóm tội phạm này còn khá cao vì do tính nhạy cảm, xấu hổ, mặc cảm là nhóm yếu thế, sợ ảnh hưởng đến tương lai, thậm chí bị đe dọa mà nạn nhân và người thân không giám tố giác, tự dàn xếp mà không giải quyết bằng pháp luật.
Mặc dù có những quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em như: Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Luật Trẻ em; Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tuy nhiên đến nay chưa có chế định cụ thể, chuyên biệt nào về mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo và khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đang thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 01/2017; Thông tư liên tịch số 04/2018 và Thông tư liên tịch số 06/2018.
Công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ gặp khó khăn
Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm cho biết thêm, trong công tác khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đã gặp phải những khó khăn. Cụ thể, trong công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ hầu hết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nơi vắng vẻ, không gian biệt lập, kín đáo nên thường không có người làm chứng; các vụ dâm ô trẻ em để lại rất ít dấu vết nên không có chứng cứ vật chất; việc bị xâm hại tình dục ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm nên nạn nhân thường lưỡng lự trong cách giải quyết, dẫn đến khai báo muộn, các dấu vết có thể mất đi, đặc biệt là dấu vết sinh học sẽ không thu được hoặc thu được ít, không đủ yếu tố để giám định.
Cùng với đó, có bị hại không tố giác tội phạm, khi bị phát hiện thì bị hại bỏ trốn, không hợp tác với CQĐT do bị hại và đối tượng có mối quan hệ tình cảm hoặc bị mua chuộc; có trường hợp bị hại tự tử gây khó khăn cho việc khởi tố, điều tra. Việc xác định độ tuổi của nạn nhân và đối tượng trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em còn gặp khó khăn. Đặc biệt ở một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sông nước, nhiều trường hợp nạn nhân hoặc đối tượng không có giấy khai sinh, khai sinh muộn, hoặc mỗi loại giấy tờ có ngày, tháng, năm sinh khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian xác minh độ tuổi. Đồng thời, có những vụ xâm hại tình dục bằng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội rất khó điều tra, thu thập chứng cứ dẫn đến kết quả giải quyết vụ án bị chậm chễ.
|
|
Trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Ảnh: Quang Quý |
Theo ông Hồ Sỹ Niêm, chính từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra khác như: khám nghiệm hiện trường, giám định, kiểm tra dấu vết trên thân thể và tiến hành ghi lời khai... kịp thời, phát hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, cần thiết xây dựng các chế định mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra để quy định phân công trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ phối hợp thực hiện các hoạt động tố tụng chuyên biệt giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em...
Từ những lý do trên, ông Hồ Sỹ Niêm cho rằng, cần thiết phải triển khai xây dựng Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, cần thiết xây dựng các chế định mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em một cách chuyên biệt.