Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là khách quan và cần thiết

Theo TAND tối cao, thời gian qua, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng. Để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là giải pháp phù hợp và khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Về hệ thống pháp luật, Việt Nam hiện đang có 7 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như: Thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự để thay thế các hình phạt nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Cùng với đó, cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được nội luật hóa đầy đủ; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên.

Mặt khác, chưa quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao.

Về thi hành pháp luật, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia cơ bản đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật; vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước tham gia vào hoạt động tư pháp người chưa thành niên từng bước được nâng cao. 

Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, nghiêm túc; nhận thức, quan điểm về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi; nguồn lực đầu tư cho việc bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; một số cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự còn hạn chế về kỹ năng, chuyên môn sâu khi giải quyết vụ án liên quan đến người chưa thành niên.

Từ những căn cứ trên, theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là khách quan và cần thiết.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND phối hợp tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh. (Ảnh minh hoạ)

Quy định 14 nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên

Về mục đích, việc xây dựng Luật nhằm đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên theo các cam kết, thông lệ quốc tế. Đề cao việc giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ để người chưa thành niên tự sửa chữa, cải thiện hành vi.

Mở rộng việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất giam giữ. Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, đặc thù, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý; bảo vệ và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Hoàn thiện hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên. Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội tham gia cùng cơ quan tiến hành tố tụng hỗ trợ và giúp đỡ người chưa thành niên trong tố tụng.

Về bố cục, dự thảo Luật gồm 168 điều được bố cục thành 5 phần, 12 chương. Dự thảo Luật quy định 14 nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm người chưa thành niên được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên.

Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên phạm tội; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia trình bày ý kiến của người chưa thành niên; bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên.

Quy định mới về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

Theo TAND tối cao, Bộ luật Hình sự đang quy định các biện pháp giám sát, giáo dục khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tên gọi này không còn phù hợp với định hướng, đề xuất sửa đổi, bổ sung về xử lý chuyển hướng.

Về bản chất, các biện pháp này là đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự thông thường (vốn được áp dụng cho người trưởng thành), nói cách khác là chuyển hướng người chưa thành niên sang thủ tục đơn giản, thân thiện hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thấy rằng, đa số các nước đều gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng. 

Đối với nội dung cần xin ý kiến về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo cơ quan chủ trì, theo quy định tại các điều từ Điều 92 đến Điều 95 của Bộ luật Hình sự, Điều 426 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án là các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (biện pháp giám sát, giáo dục). 

Về nội dung này, trong quá trình xây dựng dự án Luật hiện còn hai loại ý kiến khác nhau như sau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Quy định này vừa bảo đảm áp dụng thống nhất, tránh dàn trải về thẩm quyền áp dụng; vừa bảo đảm chặt chẽ, cẩn trọng trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cũng như không phát sinh thủ tục tổ chức theo dõi, đánh giá người chưa thành niên trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả 3 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo từng giai đoạn tố tụng. Việc phát sinh thủ tục tổ chức theo dõi, đánh giá người chưa thành niên trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng thể hiện trách nhiệm của tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cùng với quy định trên, dự thảo Luật đã quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội. Cụ thể tại Điều 101 dự thảo Luật quy định, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, theo đó người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án về hành vi, quyết định của mình. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có người chưa thành niên, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật này về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ…
P.V