Việc ban hành Kế hoạch nhằm tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật; nâng cao nhận thức về Luật Đất đai và trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai.

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai. Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành. Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai.

Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 1 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai; cập nhật bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nội dung được giao tại Điều 248 Luật Đất đai. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định để quy định chi tiết Luật Đất đai.

Bộ Nội vụ ban hành 1 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5 năm 2024.

Đối với dự thảo Nghị định quy định lấn biển theo nhiệm vụ được giao tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2024: Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành Nghị định theo trình tự rút gọn để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 1/4/2024. 

Ngoài ra, Kế hoạch nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư; đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tuyên truyền bao gồm công tác tập huấn cho UBND và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Ngoài ra, Kế hoạch còn nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành có liên quan gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí; Ban Tuyên giáo Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận…

“Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn và báo chí ở trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức đến từng tổ chức, từng người dân; chỉ đạo xuất bản và phát hành ấn phẩm về pháp luật đất đai, kể cả các ấn phẩm bằng tiếng dân tộc, để phổ biến rộng rãi trong Nhân dân ở các vùng, miền trong cả nước” - Kế hoạch nêu.

P.V