Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; Biện pháp, chế độ cảnh vệ; Quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và bố trí lực lượng Cảnh vệ.
Liên quan đến đối tượng cảnh vệ, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
|
|
Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ra quân bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể về đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong nước hiện nay; đặc biệt gần đây là một số vụ ám sát một số nhà lãnh đạo trên thế giới thì cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao vì đặc thù công việc của hai chức vụ này liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, do đó đặc thù nghề nghiệp mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ.
Qua tham khảo Luật của một số quốc gia trên thế giới quy định 2 chức vụ này thuộc đối tượng cảnh vệ, như Đức, Canada; đồng thời Luật hóa kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Điều 11, Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến áp dụng không thống nhất.
Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định cụ thể trong luật, như kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng kiểm tra an ninh, an toàn thường xuyên tại khu vực trọng yếu, địa điểm hoạt động của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Do vậy, nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.
Một số thuật ngữ chuyên ngành về công tác cảnh vệ, như: “Chế độ cảnh vệ”, “sự kiện đặc biệt quan trọng”, “khách quốc tế”, “khu vực, mục tiêu cảnh vệ”, “hộ tống bảo vệ”, “kiểm tra an ninh, an toàn”, “kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “thẻ, phù hiệu”, "Giấy bảo vệ đặc biệt" chưa đưa vào giải thích từ ngữ; do vậy áp dụng trên thực tế chưa được thống nhất.
Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác cảnh vệ trong tình hình mới với mục tiêu là hoàn thiện các quy định của pháp luật về Cảnh vệ nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh vệ nói riêng bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ; đảm bảo ANQG, TTATXH và giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.
Để đạt được các mục tiêu như đã đặt ra ở trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách này sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.
Cụ thể, chính sách 1: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Chính sách 2: Xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; Chính sách 3: Hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Chính sách 4: Quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.