Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Quốc phòng, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, trong khi đó nhiều biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong TTKC đang được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000.

Bên cạnh đó, hoạt động thực hiện pháp luật về TTKC được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt nhiều kết quả trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển KT-XH của đất nước.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Cùng với đó, thế giới và khu vực dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang cục bộ ở một số quốc gia, khu vực; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh xảy ra ngày càng nhiều. Tình hình trên làm gia tăng các tình huống khẩn cấp về sự cố, thảm họa đòi hỏi các quốc gia phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Đồng thời, Việt Nam là quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nền kinh tế có độ mở cao, các thế lực thù địch luôn tận dụng các thời điểm ta gặp khó khăn để chống phá… vì vậy phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện các biện pháp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật về TTKC còn hạn chế, bất cập, do đó việc xây dựng, ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp là cần thiết.

Theo cơ quan chủ trì, mục đích xây dựng Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về TTKC; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật về TTKC quy định về ban bố, bãi bỏ TTKC; các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong TTKC; tổ chức thi hành nghị quyết, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTKC; thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, bãi bỏ TTKC; các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong TTKC (về quốc phòng, an ninh quốc gia, thảm hoạ lớn, dịch bệnh); tổ chức thi hành nghị quyết, lệnh công bố TTKC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành lệnh ban bố, bãi bỏ TTKC.

Dự án Luật đề cập đến các chính sách gồm: Chính sách 1: Xác định, tạo lập các loại hình, điều kiện ban bố TTKC; phân định thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ, thi hành lệnh TTKC để nâng cao hiệu quả thực thi về TTKC.

Chính sách 2: Hạn chế quyền con người, quyền công dân và bảo đảm an sinh xã hội trong TTKC.

Chính sách 3: Cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện khi xảy ra TTKC.

P.V