Có vướng mắc nêu: Trong vụ án hành chính, Tòa án tuyên bác yêu cầu khởi kiện hủy quyết định hành chính của người khởi kiện. Quá trình xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện, Tòa án có xem xét và nhận định về quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện), Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó, người khởi kiện tiếp tục khởi kiện vụ án khác đối với quyết định hành chính (là quyết định hành chính có liên quan đã được xem xét trong vụ án trước). Trường hợp này, Tòa án có được trả lại đơn khởi kiện vì lý do vụ việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính hay không?

Vướng mắc trên, theo trả lời của TAND tối cao: Điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính quy định trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

Trong quá trình giải quyết vụ án, việc Tòa án xem xét và nhận định về quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) là cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện. Trường hợp quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) được ban hành trái pháp luật dẫn đến quyết định hành chính bị kiện trái pháp luật thì HĐXX có thẩm quyền hủy cả quyết định hành chính bị kiện và quyết định hành chính liên quan. Trường hợp quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) được ban hành đúng pháp luật thì Tòa án cũng đã nhận định, kết luận trong bản án. Như vậy, mặc dù quyết định hành chính có liên quan không bị kiện nhưng đã được xem xét, giải quyết và được kết luận về tính đúng sai cùng với quyết định hành chính bị kiện nên phải coi là sự việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Vì vậy, trường hợp này, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do vụ việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính.

Có vướng mắc nêu: Người khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng quyền sử dụng đất đó đã được đem đi thế chấp và Ngân hàng đang giữ GCNQSDĐ. Quá trình giải quyết vụ án có căn cứ xác định việc UBND cấp GCNQSDĐ là không đúng quy định của pháp luật nhưng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này, Tòa án có được hủy GCNQSDĐ không? Ngân hàng có được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 hay không?

TAND tối cao trả lời: Việc xem xét yêu cầu hủy GCNQSDĐ trong vụ án hành chính thực chất là việc xác định tính hợp pháp của GCNQSDĐ. Vì vậy, khi có căn cứ xác định GCNQSDĐ bị kiện rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án phải tuyên hủy GCNQSDĐ đó.

Quan hệ thế chấp tài sản liên quan đến giấy GCNQSDĐ nêu trên và quyền lợi của Ngân hàng sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự khi đương sự có yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án hành chính sơ thẩm. (ảnh minh hoạ)

Trường hợp thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đã hết dẫn đến cần đình chỉ giải quyết mà vụ án còn có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính đó gây ra thì Tòa án giải quyết như thế nào?

Nội dung trên, theo trả lời của TAND tối cao: Khoản 1 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính quy định: “... Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết."

Khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính."

Như vậy, trường hợp đương sự khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đồng thời có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra mà thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó đã hết thì Tòa án căn cứ điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính để đình chỉ giải quyết vụ án.

Có Toà án nêu vướng mắc: Đương sự khởi kiện yêu cầu hủy GCNQSDĐ và buộc người bị kiện (cơ quan có thẩm quyền) cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất đó cho họ. Trường hợp này, yêu cầu buộc người bị kiện cấp GCNQSDĐ có thuộc đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính hay không?

Nội dung trên, theo trả lời của TAND tối cao, trường hợp người khởi kiện vừa yêu cầu hủy quyết định hành chính vừa yêu cầu buộc cơ quan hành chính thực hiện hành vi nhất định (như buộc cơ quan hành chính ban hành quyết định hành chính mới), Tòa án cần phải xác định yêu cầu buộc cơ quan hành chính thực hiện hành vi nhất định là trách nhiệm của Tòa án khi hủy quyết định hành chính.

Khi Hội đồng xét xử xét thấy quyết định hành chính bị khởi kiện được ban hành đúng quy định của pháp luật thì tuyên bác yêu cầu khởi kiện của đương sự theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính mà không phải xem xét yêu cầu buộc người bị kiện thực hiện hành vi nhất định của đương sự. 

Khi Hội đồng xét xử xét thấy quyết định hành chính bị khởi kiện được ban hành không đúng quy định của pháp luật thì xem xét hủy quyết định hành chính và có quyền tuyên buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật theo điểm b, c khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính.

Ngoài ra, có Toà án nêu vướng mắc: Đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cấm chuyển dịch quyền về tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp này Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận?

Nội dung trên, theo TAND tối cao: Điều 71 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng đương sự thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.”

Mặc dù Luật Tố tụng hành chính quy định trình tự thủ tục nhằm giải quyết các khiếu kiện liên quan đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước mà không điều chỉnh việc giải quyết các tranh chấp dân sự, tuy nhiên, việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện hành vi chuyển dịch quyền về tài sản cho người khác sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện hành vi chuyển dịch quyền về tài sản cho người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Tố tụng hành chính.

P.V