Về một số từ ngữ, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: 1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được, thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
2. “Gá bạc” là cho người khác sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình (nhà ở, cửa hàng, khách sạn, phòng trọ, tàu, xe, thuyền, bè…) để đánh bạc trái phép nhằm mục đích thu tiền hoặc thu lợi bất chính hoặc lợi ích vật chất khác.
3. “Thu lợi bất chính” là khoản thu bằng tiền hoặc hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác từ việc tổ chức đánh bạc, gá bạc.
4. “Hiện vật dùng đánh bạc” là tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
|
|
Quang cảnh phiên toà xét xử một vụ án hình sự về tội đánh bạc. (Ảnh minh hoạ) |
Về một số tình tiết định tội, dự thảo Nghị quyết quy định: 1. “Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào” quy định tại Điều 321 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi như sau: a) Xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, ba cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, tài xỉu; b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử; c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác; d) Các hành vi đánh bạc được thực hiện dưới hình thức khác.
2. Những hành vi sau cũng được coi là hành vi tổ chức đánh bạc trái phép: a) Che giấu, bảo vệ, bảo kê tại sòng bạc; b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, thơ đề và các ấn phẩm khác để đánh đề.
3. “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 Điều 321 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tương ứng như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại vi phạm.
Ví dụ: Phạm Minh C đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, nhưng 1 tháng sau lại có hành vi đánh bạc với số tiền 1.500.000 đồng.
4. “Trong cùng một lúc” quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là tổ chức cho những người tham gia đánh bạc trong cùng một thời điểm. Ví dụ: Vào hồi 21h00’, ngày 1/1/2024, Nguyễn Đức H tổ chức cho 2 sòng bạc đánh bài cào tại nhà để thu tiền xâu (tiền hồ).
5. “Trong cùng một lần” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là: Phương án 1: Trong cùng một lần quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt mà có 1 đợt số tiền, hiện vật dùng đánh bạc có trị giá 20 triệu đồng trở lên.
Phương án 2: Trong cùng một lần quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt mà tổng nhiều đợt số tiền, hiện vật dùng đánh bạc có trị giá 20 triệu đồng trở lên.
6. “Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự thì người bị buộc tội chỉ cần đáp ứng một trong các dấu hiệu này.
7. Trang thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là thiết bị mà đối tượng tổ chức đánh bạc lắp đặt để nhằm cảnh giới, quan sát người lạ mặt hoặc cơ quan, người có thẩm quyền vào nơi các đối tượng đánh bạc để đối phó, che giấu hành vi đánh bạc bên trong. Ví dụ: camera, thiết bị ghi âm, ghi hình….
8. “Phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là công cụ dùng vào việc đánh bạc. Ví dụ: Phương tiện như tivi kết nối internet để tải các trận đá gà trực tuyến nhằm cá cược ăn thua bằng tiền thì không được xem là “có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự mà chỉ là công cụ, phương tiện dùng vào việc đánh bạc.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định về một số tình tiết định khung hình phạt; xác định tiền, hiện vật dùng vào đánh bạc làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể…