Công văn nêu rõ: TAND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 với các nội dung kiến nghị gồm: (1) “Việc quy định TAND thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật là có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, để xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của TAND trong dự thảo Luật, các luật liên quan và để Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung quy định cụ thể hơn nội dung TAND thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật Tổ chức TAND".

(2) "Theo quy định của Luật Tổ chức TAND hiện nay, Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố tại phiên tòa. Tuy nhiên, việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Trong trường hợp Hội đồng xét xử phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Tòa án đề nghị Viện kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tiến hành tố tụng khác".

(3) “Việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh... Các thông tin này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp trên cơ sở xem xét ý kiến của bị cáo, đương sự, những người tham gia tố tụng khác và phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ)

Các nội dung kiến nghị trên, theo trả lời của TAND tối cao: Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (ngày 24/6/2024), Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND. Theo đó: (1) Tại khoản 1 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định về TAND thực hiện quyền tư pháp như sau: “TAND thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử."

(2) Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa tại Điều 150. Theo đó, nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

(3) Tại khoản 3, khoản 4 Điều 141 Luật Tổ chức TAND quy định về việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa được thực hiện như sau:

"3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, được thực hiện như sau:

a) Việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp;

b) Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

c) Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

4. Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo quy định của pháp luật."

Như vậy, nội dung quy định về việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa tại Điều 141 Luật Tổ chức TAND nêu trên vừa bảo đảm được quyền con người, quyền công dân, vừa bảo đảm cho phiên tòa, phiên họp được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm, công khai, minh bạch.

P.V