Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

Cũng theo Luật này thì hiện nay, tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh và Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập. Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp về mặt lý luận cũng như đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, chức vụ hiện nay.

leftcenterrightdel
 KSV trực tiếp kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án. Ảnh Bùi Tiến

1. Về mặt lý luận

Theo quy định của Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 thì CQĐT của VKSND tối cao là một trong ba CQĐT chuyên trách; là thiết chế kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh; đồng thời là cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. CQĐT của VKSND tối cao cũng có các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như CQĐT thuộc Bộ Công an, CQĐT thuộc Bộ Quốc phòng.

Do đó, việc bổ sung nhiệm vụ giám định cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là phù hợp với mô hình tổ chức chung của các CQĐT hiện nay, trong Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có tổ chức giám định kỹ thuật hình sự.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì CQĐT của VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ (quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự) xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Việc quy định chỉ có CQĐT của VKSND tối cao mới có thẩm quyền điều tra các loại tội phạm này xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng trong việc tạo ra một thiết chế đặc biệt, khách quan để điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Do vậy, việc bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập cũng không nằm ngoài quy luật đó, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ nói riêng.

Pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định cho Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong các trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho CQĐT.

Từ những nhiệm vụ, quyền hạn này cho thấy một nhu cầu là Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát. Phòng giám định kỹ thuật hình sự này không phải tăng chức năng của Viện kiểm sát mà chính là một trong những công cụ của Viện kiểm sát để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn Luật định nêu trên.

2. Về mặt thực tiễn

Thực hiện Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, CQĐT VKSND tối cao, ngoài thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp (14 tội danh), còn có thẩm quyền điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (tăng 24 tội danh). Từ khi thực hiện thẩm quyền điều tra mới, số lượng các vụ án do CQĐT VKSND tối cao thụ lý, khởi tố, điều tra ngày càng tăng và dự báo tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới; trong đó, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố chiếm tỷ lệ cao (60-70% trên tổng số án).

Thực tế cho thấy, khoảng trên 80% các vụ án do CQĐT VKSND tối cao điều tra có liên quan đến việc thu thập, giám định chứng cứ dữ liệu điện tử (chứa trong máy tính, điện thoại di động, camera, máy ghi âm, ghi hình…). Tỷ lệ này cũng sẽ tăng cao sau khi thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc (bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có yêu cầu giám định tính chính xác của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh), không chỉ ở CQĐT VKSND tối cao mà còn ở cả các CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án trên toàn quốc.

Nhiều vụ án, chỉ có duy nhất lời khai của người tố cáo, kèm chứng cứ dữ liệu điện tử (USB, đĩa DVD, VCD, điện thoại…) có chứa dữ liệu ghi âm, ghi hình việc nhận hối lộ. Điều này cho thấy công tác giám định có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá chứng cứ, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh hiện nay.

Hiện nay, toàn bộ việc giám định âm thanh, hình ảnh của các cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có CQĐT VKSND tối cao và VKSND các cấp) đều phải trưng cầu giám định tại Viện khoa học hình sự (C09) Bộ Công an (Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng mới chỉ tiến hành giám định tài liệu, chữ viết, chữ ký, dấu vết, súng đạn, không tiến hành giám định âm thanh, hình ảnh).

Do chỉ có một đơn vị giám định thuộc Bộ Công an, dẫn đến quá tải, trung bình thời hạn mỗi vụ giám định khoảng từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng, cá biệt có vụ hơn 8 tháng mới có kết luận; trong khi đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố rất ngắn (20 ngày đến 2 tháng), thời hạn điều tra vụ án, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn tạm giam Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rất chặt chẽ, hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định thì phải tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án.

Mặt khác, do kết luận giám định không kịp thời, nên nhiều vụ khi có kết luận giám định thì không còn điều kiện để thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh tội phạm. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ, tỷ lệ giải quyết, không bảo đảm chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Cá biệt, có trường hợp kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc người bị tố cáo, bị can, bị cáo khiếu nại kết luận giám định của Bộ Công an thì cũng không có cơ chế hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để trưng cầu giám định lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, hiện nay nhiều cơ sở giám định tư nhân (Trung tâm tư vấn, giám định dân sự…) cũng có thể giám định có kết quả tốt nhưng chỉ là tài liệu tham khảo vì không có thẩm quyền giám định kỹ thuật hình sự.

Như vậy, nếu giữ hệ thống các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự như hiện nay thì các vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ không được giải quyết, cụ thể là:

Việc thực hiện giám định của cơ quan được trưng cầu bị quá tải, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố rất ngắn, thời hạn điều tra vụ án, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn tạm giam Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rất chặt chẽ, dẫn đến kéo dài thời gian giám định, làm ảnh hưởng đến tiến độ, tỷ lệ giải quyết, không bảo đảm chỉ tiêu của Quốc hội.

Kết luận giám định không kịp thời, nên nhiều vụ khi có kết luận giám định thì không còn điều kiện để thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh tội phạm.

Không có cơ chế hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để trưng cầu giám định lại theo quy định đối với trường hợp kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc người bị tố cáo, bị can, bị cáo khiếu nại kết luận giám định về âm thanh, hình ảnh.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

3. Nếu quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập thì sẽ có cơ sở pháp lý trong việc tiếp nhận, thực hiện các yêu cầu theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, khắc phục tình trạng quá tải trong tiếp nhận trưng cầu giám định và chậm trễ trong thực hiện giám định; qua đó, trước mắt phục vụ cho hoạt động điều tra của CQĐT VKSND tối cao, sau đó phục vụ cho việc truy tố, xét xử đối với một số vụ việc khi phải trả lại điều tra, vừa nhanh chóng, vừa kịp thời và vừa giữ bí mật và phù hợp với cơ cấu tổ chức.

Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao sẽ phục vụ nhu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng gồm:

CQĐT VKSND tối cao: Thực tế cho thấy, khoảng trên 80% các vụ án do CQĐT VKSND tối cao điều tra có liên quan đến việc thu thập, giám định chứng cứ dữ liệu điện tử và đều phải trưng cầu giám định.

VKSND các cấp: Khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự xác định phải trưng cầu giám định, giám định bổ sung hay giám định lại, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định trưng cầu giám định. Như đã nêu ở trên, hiện nay nhu cầu về trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh đang rất quá tải, do đó, khi VKSND tối cao được giao nhiệm vụ giám định kỹ thuật hình sự, sẽ đáp ứng ngay nhu cầu đòi hỏi cấp bách của hoạt động tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, giải quyết vụ, việc dân sự… của VKSND các cấp.

CQĐT khác và Tòa án: Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu cơ quan giám định (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…) và cho rằng kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc người bị tố cáo, bị can, bị cáo, người bị hại khiếu nại kết luận giám định đó, trong trường hợp này Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao sẽ có chức năng, nhiệm vụ giám định bổ sung hoặc giám định lại theo yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quy định bổ sung tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự sẽ hạn chế tình trạng thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc bị kéo dài, từ đó tiết kiệm chi phí thời gian và chi phí ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời giảm chi phí liên quan đối với cá nhân, tổ chức (chi phí đi lại, thu nhập bị ảnh hưởng...). Ước tính tác động tích cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội trong việc tiết kiệm, giảm bớt chi phí liên quan là rất rõ ràng.

Quy định này không xung đột với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Thực hiện quy định này, VKSND tối cao chỉ phải ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự. Do là văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân nên không phát sinh chi phí xây dựng, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

4. VKSND tối cao hiện cũng đang có những nguồn lực thuận lợi để Phòng giám định kỹ thuật hình sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không trái với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay.

Qua khảo sát, dự tính kinh phí cho việc mua sắm các trang thiết bị ban đầu phục vụ công tác giám định (âm thanh, hình ảnh) khoảng 9,38 tỷ đồng. Chi phí này là không lớn, VKSND tối cao có thể tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên của Ngành. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với VKSND tối cao, Viện Công tố tối cao Hàn Quốc có đề nghị được hỗ trợ một số trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ làm công tác giám định; VKSND tối cao cũng đang làm việc với Dự án KOICA tìm nguồn hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; phía Viện Công tố tối cao Hungari, Nhật Bản cũng sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho VKSND tối cao Việt Nam nếu được giao thực hiện chức năng nêu trên; Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt cho phép VKSND tối cao xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động điều tra”.

VKSND tối cao đã có các cán bộ thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật hình sự là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về điều tra hình sự, được đào tạo cơ bản về kỹ thuật hình sự (thu thập, phân tích, trích xuất, lưu trữ, bảo quản phương tiện dữ liệu điện tử, chứng cứ dữ liệu điện tử, thu thập dấu vết, đánh giá chứng cứ). Trong thời gian tới, VKSND tối cao sẽ chọn cử một số cán bộ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự tại một số nước có nền khoa học hiện đại, đi đầu trong công tác giám định, điều tra kỹ thuật số như Hàn Quốc, Hungary, Nhật Bản… (theo đề nghị từ phía bạn). Ngoài ra, trong chỉ tiêu biên chế được giao, VKSND tối cao bố trí công chức từ các đơn vị nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân đến làm việc tại đơn vị này, đồng thời có thể tiếp nhận một số công chức có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật hình sự ở các ngành Công an, Quân đội đang làm chuyên môn nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự, do vậy, sẽ không làm phát sinh bộ máy, không làm tăng thêm biên chế chung của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tóm lại, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giám định trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao; đồng thời bảo đảm hoạt động giám định tư pháp kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay trong công tác giám định kỹ thuật hình sự, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của hoạt động tố tụng hình sự, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng (đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp) thì việc quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là phù hợp. Phải có một cơ quan giám định bổ sung, hỗ trợ cho cơ quan giám định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để đảm bảo có sự lựa chọn khi cần thiết để cho việc giám định nhanh gọn và khách quan.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao. Các quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên trong Luật hiện hành mới chỉ phù hợp đối với các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc ngành Công an, Quân đội.

Vì vậy, cần bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên của Phòng giám định kỹ thuật sự thuộc VKSND tối cao vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Phạm Thị Thuỳ Linh - Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND tối cao