Ngày 21/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định: Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Hữu Hậu – VKSND cấp cao tại TP HCM, góp ý về một số nội dung về cơ sở chính trị-pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn cùng giải pháp đặt ra của việc bổ sung quy định cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Hữu Hậu trao đổi với PV. 

Bổ sung cần thiết, hợp lý

Theo TS Nguyễn Hữu Hậu thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp vào điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật giám định tư pháp hiện hành như sau:

…“4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Tiến sĩ Hậu nhận thấy, việc bổ sung này là cần thiết và hợp lý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phòng, chống oan, sai, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp vì các lẽ như sau:

Thứ nhất, về mặt chính trị - pháp lý: Đó là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp 14 đã chỉ đạo: “...; rà soát, đánh giá việc thi hành Luật giám định tư pháp… để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, phục vụ hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ” (Điểm 2.2 mục 1 phần II Thông báo số 179-TB/BCĐTW ngày 20/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Tại phần 8 Phụ lục 1 về Tổng hợp kiến nghị về cơ chế, chính sách pháp luật và công tác lãnh đạo, chỉ đạo kèm theo Báo cáo số 118-BC/BCĐTW có nêu: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp cho phù hợp với tình hình thực tế để khắc phục tình trạng né tránh, chậm thực hiện việc giám định hoặc lạm dụng việc trưng cầu giám định gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Đây là cơ sở chính trị-pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm cho hoạt động giám định tư pháp nước ta có chất lượng trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn xã hội, yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Đồng thời khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn giám định hoặc né tránh, đùn đẩy, chậm trễ trong tiếp nhận trưng cầu giám định, bảo đảm cơ sở pháp lý cụ thể cho việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định được thống nhất, chất lượng để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong tố tụng và bảo đảm chỉ có kết luận giám định chính xác, khách quan mới được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.

Thứ hai, về mặt lý luận nhận thấy: Trong hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách nước ta hiện nay gồm có: Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mới có chung nhiệm vụ “giám định tư pháp” và trưng cầu giám định tư pháp. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mặc dù có phòng kỹ thuật hình sự, nhưng lại chưa được bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp là thiếu sót lớn về lý luận và lập pháp hình sự. Đồng thời không thực hiện được nhiệm vụ hướng dẫn Cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn.

Cơ sở để bổ sung giám định tư pháp

Giám định tư pháp là việc làm hết sức quan trọng, kết luận giám định tư pháp thể hiện giá trị khoa học và pháp lí. Trong hoạt động tố tụng nó là một trong những nguồn chứng cứ. Theo quy định của pháp luật các nước trên thế giới, Cơ quan điều tra đều có quyền giám định tư pháp. Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng điều tra, chưa được giao nhiệm vụ giám định tư pháp để phục vụ hoạt động khởi tố, điều tra là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của luật thực định hiện hành, cụ thể:

Tại điểm g khoản 3 Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật;

Tại khoản 8 Điều 14 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

Điều 20. Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cho Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

 Phù hợp với thực tiễn điều tra tội phạm

Luật giám định tư pháp được xây dựng, ban hành trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp và các quy định có liên quan khác, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp, hoàn thiện cơ chế hoạt động, quản lý giám định tư pháp trong cả nước đã đạt được một số kết quả quan trọng, làm cho công tác giám định tư pháp ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực giúp cơ quan tiến hành tố tụng trọng quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc được khách quan, chính xác, phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Từ khi thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng, đặc biệt trong hỏi cung bị can trên phạm vi cả nước đã phát sinh yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh với số lượng lớn. Thực tiễn hiện nay, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang thực hiện điều tra các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng trong hoạt động tư pháp nên cần giám định về âm thanh, hình ảnh, nếu không có nhiệm vụ giám định tư pháp của ngành Kiểm sát sẽ phát sinh những bất cập về thời hạn điều tra và nhiều khó khăn, vướng mắc khác.

Theo thống kê của Cơ quan điều tra - VKSND tối cao, từ năm 2008 đến hết năm 2018, trong phạm vi cả nước đã phát hiện, khởi tố và điều tra 196 vụ, 211 bị can phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp (HĐTP) với tổng số tiền, tài sản thiệt hại, bị chiếm đoạt do loại tội phạm này gây ra hơn 33 tỉ 508 triệu đồng; đã tiến hành các biện pháp thu hồi được 18 tỉ 148 triệu đồng xung công quỹ Nhà nước hoặc trả lại cho người bị hại, tỷ lệ giữa các loại tội như sau:

Tội tham ô tài sản, chiếm tỉ lệ 10,5%; Tội nhận hối lộ, chiếm 30,9%; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chiếm 31,5%; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chiếm 16,1%; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi, chiếm 1,3%; Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, chiếm 6,4%; Tội giả mạo trong công tác, chiếm 3,1%. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, khởi tố điều tra một số loại tội phạm khác liên quan đến tội phạm tham nhũng trong HĐTP, điển hình như: Tội đưa hối lộ 09 vụ, 11 bị can; tội môi giới hối lộ 08 vụ, 05 bị can; tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội 12 vụ, 15 bị can; tội ra quyết định trái pháp luật 28 vụ, 26 bị can; tội ra bản án trái pháp luật 02 vụ, 01 bị can; tội làm sai lệch hồ sơ vụ án 17 vụ, 15 bị can. Có thể thấy, đây là các tội phạm có liên quan mật thiết với các tội phạm tham nhũng trong HĐTP, theo đó những hành vi phạm tội này có thể là nguyên nhân hoặc là hệ quả của các hành vi tham nhũng trong HĐTP.

Nguồn tin báo, tố giác tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp hiện nay được thực hiện chủ yếu là đơn kèm theo băng hoặc file ghi âm cần giám định. Theo thống kê cho thấy có khoảng 70% số vụ tin báo tội phạm cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số…v.v…

Từ phân tích trên, TS Nguyễn Hữu Hậu cho rằng, đây là bổ sung mới phù hợp với các quy định của pháp luật nên không thể đánh giá, so sánh với số vụ, việc giám định của Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng để cho rằng không cần lập thêm đơn vị giám định mới là cách hiểu sai. Thực tế là chỉ giao thêm nhiệm vụ cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp trong hoạt động điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đây không phải là hoạt động chính, chủ yếu của Viện kiểm sát mà chỉ phục vụ hoạt động khởi tố, điều tra và tiến hành một số hoạt động điều tra khi cần thiết theo quy định của Luật. Khi thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng là nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp là yêu cầu cao nhất của hệ thống tư pháp hình sự nước ta hiện nay và trong thời gian tới.

Giải pháp

Theo nhiều kết quả nghiên cứu có thể dự báo trong thời gian tới, do có sự đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng nên bên cạnh các vụ án phạm tội tham nhũng trong HĐTP nảy sinh không loại trừ có sự tham gia, cấu kết của người giám định và cơ quan giám định... có nguy cơ xảy ra là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình và trốn tránh pháp luật, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội tham nhũng trong HĐTP sẽ tinh vi hơn, hoạt động khép kín hơn. Chính điều này là một trong những cơ sở để đưa ra nhận định rằng hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với TPTN trong HĐTP ở nước ta sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong thời gian tới nên bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hết sức quan trọng và cần thiết như đã phân tích trên.

Khi bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được nhiều ý kiến đồng thuận và không đồng thuận. Theo nghiên cứu của tác giả thì tác giả nhất trí với Báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo về đánh giá tác động khi bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao như không làm tăng biên chế chung của ngành Kiểm sát nhân dân, yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo không lớn, không có tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội, không gây tác động tiêu cực về giới, không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành…

Giải pháp đặt ra là khi bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật cho cả hai Cơ quan điều tra là:  Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; thực hiện được nhiệm vụ hướng dẫn Cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn.

Đồng thời khắc phục tình trạng sai khác giữa hai kết quả giám định âm thanh, hình ảnh của Bộ Công an, của Bộ Quốc phòng (nếu có xảy ra). Tự điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên để không làm tăng chi phí, việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ giám định không cần dùng đến kinh phí từ ngân sách Nhà nước mà nên lập dự án tài trợ của nước ngoài, không lãng phí kinh phí đào tạo bằng việc tuyển chọn đội ngũ Giám định viên từ đội ngũ có kinh nghiệm khoảng 3-5 người nên không ảnh hưởng nhiều trước yêu cầu tinh giản biên chế./.

Trân Định - Nguyễn Lánh