Phù hợp dưới góc độ lý luận và tính pháp lý

Ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội xem xét thông qua. Đáng chú ý là trong dự thảo luật này bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).

leftcenterrightdel
 Ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội xem xét

Xung quanh dự thảo luật này, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành dự thảo Luật, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không bổ sung quy định này.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Hậu – Công ty luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, xét dưới góc độ lý luận và tính pháp lý của nội dung dự thảo này là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015 tại Điều 4 có quy định rất rõ hệ thống cơ quan điều tra của Việt Nam bao gồm Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan Điều tra của VKSND tối cao. Về các hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra được thực hiện theo pháp luật có quy định có hoạt động giám định.

Luật Giám định tư pháp 2012 đã quy định chức năng giám định kỹ thuật hình sự thuộc về các đơn vị của Công an và Quốc phòng. Do vậy, nếu bổ sung thêm đơn vị thực hiện giám định kỹ thuật hình sự thì không thể là đơn vị nào khác ngoài đơn vị của VKSND tối cao.

Xét về cơ cấu tổ chức từ ngày 15/12/2016, tại VKSND tối cao đã thành lập Phòng kỹ thuật Hình sự thuộc Cơ quan điều tra của VKSND tối cao theo Quyết định số 22/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao. Chức năng của Phòng Kỹ thuật hình sự là thực hiện các hoạt động kỹ thuật hình sự theo quy định pháp luật để phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án thuộc thẩm quyền.

Như vậy, nếu bổ sung thêm chức năng giám định kỹ thuật hình sự cho Phòng này thì chỉ là bổ sung thêm chức năng, giao thêm việc cho Phòng này thực hiện với sẵn mô hình hoạt động, cơ cấu biên chế vốn có, không dẫn đến việc phình bộ máy mà cho rằng trái với nguyên tắc tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy hiện nay.

Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại Việt Nam. Chức năng thừa hành quyền công tố của Viện kiểm sát thể hiện ở Cơ quan điều tra của VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được quy định tại các Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (38 tội danh) xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Hậu 

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát còn có quyền trực tiếp điều tra, tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp (i) để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc (ii) trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc (iii) trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố (khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

Tại khoản 8 Điều này tiếp tục quy định Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm.

Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, tại khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát 2014 quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền hạn được trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã giao cho Viện kiểm sát các quyền hạn điều tra, quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra hay trực tiếp xác minh, thu thập các tài liệu trong một số trường hợp luật định. Để thực hiện được các quyền hạn này, việc bổ sung thêm nhiệm vụ giám định kỹ thuật hình sự cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao có ý nghĩa làm rõ hơn quyền hạn vốn có của Viện kiểm sát và sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để Viện kiểm sát thực hiện được các quyền hạn, nhiệm vụ của mình.

“Tôi cho rằng mục đích của việc bổ sung chức năng này cho Viện kiểm sát còn làm minh bạch hơn quá trình điều tra giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt có liên quan đến các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm hay vi phạm pháp luật có những khả năng xảy ra tại các cơ quan điều tra”, luật sư Trần hậu nhấn mạnh.

Hiện nay theo dõi những vụ án oan, sai tại Việt Nam cho thấy các hành vi vi phạm dẫn đến tình trạng oan, sai thường xảy ra trong giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra. Việc lật lại hồ sơ vụ án, tìm bằng chứng giải oan vốn không dễ dàng và đòi hỏi phải áp dụng nhiều hoạt động thu thập chứng cứ khác nhau.

Giả sử chứng cứ cho những vụ việc này phải đưa đi giám định tại các đơn vị kỹ thuật hình sự của cơ quan công an sẽ làm dấy lên những nghi ngờ về tính khách quan, có hay không việc bao che trong cùng một hệ thống cơ quan; hay trường hợp có nhu cầu giám định lại kết luận giám định trước đó cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài các đơn vị từ cơ quan công an, quốc phòng.

Bổ sung chức năng giám định kỹ thuật hình sự cho Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đáp ứng được nhu cầu bức thiết của thực tiễn

Cũng theo Luật sư Trần Hậu, theo Quyết định số 1172/QĐ-TTg, ngày 11/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/01/2020. Với quy định này dự kiến sẽ phát sinh rất nhiều yêu cầu giám định hình ảnh, âm thanh từ hoạt động ghi âm, ghi hành này bởi thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến liên quan đến nghiệp vụ lấy lời khai, hỏi cung của các cơ quan điều tra.

Nếu cần thiết giám định người yêu cầu có quyền lựa chọn một đơn vị khác hơn ngoài đơn vị giám định kỹ thuật hình sự của chính các cơ quan công an. Ngoài ra, tội phạm tại Việt Nam hiện nay có xu hướng chuyển sang các loại tội phạm áp dụng công nghệ cao, do vậy nhu cầu giám định chứng cứ vụ việc vì thế cũng gia tăng hơn so với trước đây.

Việc giao thêm chức năng giám định cho Cơ quan điều tra của VKSND tối cao còn giảm tải được các công việc của các cơ quan giám định hiện nay và đáp ứng được các thời hạn pháp luật quy định. Lấy ví dụ như trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được tố giác, tin báo tội phạm các cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hay quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.

Các tin báo tố giác tội phạm của người dân thường chỉ là các bản ghi âm, ghi hình lưu lại sự việc, do vậy để có thể ra các quyết định nêu trên, các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện công tác giám định kỹ thuật hình sự. Nếu quá trình giám định này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thời gian giải quyết cũng như các sự việc sẽ không được giải quyết kịp thời dễ phát sinh các hậu quả tiêu cực.

Do vậy, cần thiết có thêm cơ quan có thẩm quyền giám định để kịp thời đáp ứng nhu cầu này cũng như đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, giải quyết dứt điểm vụ việc, giữ vững niềm tin của nhân dân với các cơ quan Nhà nước.

Xuân Nha