Cụ thể, tại Điều 10 về “Hành vi tiết lộ bí mật điều tra”, Pháp lệnh quy định, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; Luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền, điểm a, khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ.
Đối với hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, điểm d, khoản 1 Điều 23 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với bị cáo không đứng dậy khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép.
|
|
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự. Ảnh Tâm Tuân |
Liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, khoản 2, Điều 42 quy định: Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của VKSND, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thì người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi biên bản và các tài liệu khác có liên quan cho người có thẩm quyền xử phạt để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng nêu rõ, người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của VKSND, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương bao gồm: Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án, vụ việc; Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công giải quyết vụ án, vụ việc; Kiểm tra viên đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; Người có thẩm quyền khác của VKSND, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Cùng với các quy định liên quan đến VKSND và Kiểm sát viên, Pháp lệnh còn quy định về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng. Cụ thể, các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm 4 chương, 48 điều, quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022. Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh này.