Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS), dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định. Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng, tác giả nhận thấy quy định về dẫn giải vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, dẫn giải người làm chứng
Theo điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS, dẫn giải có thể áp dụng đối với người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
|
|
Lấy lời khai người làm chứng |
Trong khi đó, theo điểm a khoản 4 Điều 66 và khoản 2 Điều 293 Bộ luật này thì người làm chứng có thể bị dẫn giải khi đáp ứng 02 điều kiện: (i) người làm chứng vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và (ii) Việc người làm chứng vắng mặt gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Mặc dù người làm chứng cố tình vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng việc vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thì cơ quan có thẩm quyền không được dẫn giải.
Như vậy, phạm vi áp dụng biện pháp dẫn giải tại khoản 2 Điều 127 BLTTHS rộng hơn khoản 4 Điều 66 và khoản 2 Điều 293 Bộ luật này.
Thực tiễn cho thấy, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường chỉ dẫn giải đối với người làm chứng quan trọng khi họ cố tình vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Nếu sự vắng mặt của họ không gây trở ngại gì lớn cho hoạt động tố tụng thì không nhất thiết phải dẫn giải.
Thứ hai, dẫn giải bị hại
- Khoản 4 Điều 62 BLTTHS quy định một trong các nghĩa vụ của bị hại là phải “Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”. Với quy định này thì chỉ cần bị hại cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải.
Khác với quy định trên, tại điểm l khoản 1 Điều 4 và điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật này quy định theo hướng chỉ có thể dẫn giải bị hại trong trường hợp họ từ chối giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Ngoài trường hợp bị hại từ chối giám định, đối với các trường hợp khác, cơ quan có thẩm quyền không được dẫn giải đối với bị hại.
Thực tế, không ít trường hợp Cơ quan điều tra triệu tập bị hại nhiều lần để lấy lời khai, tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, tuy họ cố tình vắng mặt, gây khó khăn cho công tác điều tra nhưng Cơ quan điều tra không thể quyết định dẫn giải do Điều 127 BLTTHS (Áp giải, dẫn giải) không có quy định. Do đó, theo tác giả, ngoài trường hợp bị hại từ chối giám định, cần thiết mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp dẫn giải bị hại mới bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.
Bên cạnh đó, Điều 292 BLTTHS cũng không quy định việc dẫn giải đối với bị hại vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, gây trở ngại cho việc xét xử.
|
|
Bị hại khai báo tại một phiên tòa hình sự (Ảnh: TTXVN) |
- Thực tiễn áp dụng biện pháp dẫn giải bị hại từ chối việc giám định cũng gặp phải khó khăn, vướng mắc. khi nhận được quyết định trưng cầu giám định thì bị hại bỏ đi nơi khác. Lúc này cơ quan tiến hành tố tụng không còn biện pháp nào khác để buộc họ phải chấp hành quyết định trưng cầu giám định dẫn đến việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm cũng như việc điều tra vụ án bị kéo dài[1].
Thứ ba, về thời điểm dẫn giải
Thực tế có nhiều trường hợp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cố tình trốn tránh, không hợp tác, không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm cho công tác lấy lời khai, xác minh, kiểm tra nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, kéo dài nhưng lại không thể dẫn giải đối với họ. Khó khăn này xuất phát từ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS (chỉ được áp dụng biện pháp dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi đã khởi tố vụ án hình sự), cần thiết phải sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố vụ án hình sự.
Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định về dẫn giải bị hại, người làm chứng, người bị tố giác, người bị khởi tố trong tố tụng hình sự như sau:
Thứ nhất, tác giả kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 4 (điểm l khoản 1), 62, 127 và Điều 292 BLTTHS nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật về dẫn giải, khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cụ thể:
- Điểm l khoản 1 Điều 4 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, bị hại, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử”
- Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 127 cho phù hợp, thống nhất với điểm a khoản 4 Điều 66, khoản 2 Điều 293 Bộ luật này và tránh việc lạm dụng biện pháp này trong thực tiễn. theo đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể dẫn giải người làm chứng khi họ không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
|
|
Người làm chứng tham gia phiên tòa (Ảnh: Tạp chí Tòa án) |
- Tại điểm a khoản 4 Điều 62 cần bổ sung thêm nội dung việc vắng mặt của bị hại gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử nhằm tránh việc lạm dụng việc dẫn giải đối với bị hại trong thực tiễn.
- Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 127 theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể dẫn giải người bị hại khi họ không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, Điều 292 cần bổ sung thêm nội dung dẫn giải đối với bị hại để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 127 và Điều 62.
- Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 127 theo hướng cho phép áp dụng biện pháp dẫn giải người bị tố giác, người bị khởi tố cả trước và sau khi khởi tố vụ án hình sự nếu họ cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra.
Chẳng hạn, sửa đổi bổ sung Điều 127 BLTTHS như sau:
“Điều 127. Áp giải, dẫn giải
1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
b) Người bị hại trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được người có thẩm quyền triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra”
Thứ hai, tác giả kiến nghị liên ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành trong đó quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, trình tự, thủ tục dẫn giải; quy định rõ chế tài xử lý đủ nghiêm đối với người làm chứng, bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố không chấp hành theo quyết định triệu tập và yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.