Cụ thể các nội dung tổng kết

Theo Hướng dẫn, việc tổng kết nhằm đánh giá, tổng kết quá trình tổ chức triển khai thực hiện và kết quả hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; nhân rộng điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay; các mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong những năm tiếp theo.

Cũng theo Hướng dẫn, nội dung tổng kết gồm: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo VKSND các cấp trong việc tổ chức phát động, triển khai hưởng ứng phong trào. Trong đó, cần nêu bật các hoạt động cụ thể như: Việc chỉ đạo VKSND cấp huyện để giúp đỡ các xã đã chọn xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh khảo sát một số điểm để trực tiếp nắm bắt, đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới tại xã đã lựa chọn giúp đỡ theo 19 tiêu chí; xác định tiêu chí đã đạt được, tiêu chí nào chưa đạt, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, rà soát đề án quy hoạch, xây dựng nông thôn mới từng giai đoạn.

Công tác vận động, giúp đỡ về sức người, sức của để góp phần xây dựng nông thôn mới; tổ chức trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới; học tập mô hình điển hình tiên tiến trong việc xây dựng nông thôn mới để đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện cho địa phương, đơn vị mình; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước; công tác sơ kết, tổng kết việc hưởng ứng phong trào thi đua.

leftcenterrightdel
 

Đánh giá kết quả phong trào thi đua thông qua các mô hình mới, các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả, những việc làm cụ thể, thiết thực để góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương phấn đấu đạt, vượt và về đích sớm các mục tiêu đã đề ra trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Đồng thời, đánh giá tác động cụ thể của việc hưởng ứng phong trào thi đua góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào, các cuộc vận động đang triển khai, tạo động lực mới cho việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của từng địa phương, đơn vị.

Đánh giá mặt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, hưởng ứng phong trào thi đua, những kiến nghị, đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong các năm tiếp theo.

Kết quả khen thưởng tập thể, cá nhân trong những năm qua (Bằng khen, Giấy khen cho tập thể, cá nhân) và xem xét, lựa chọn, biểu dương, tôn vinh, đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua tổng kết phong trào thi đua.

Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới

Về căn cứ đề nghị khen thưởng, Hướng dẫn nêu rõ: Tập thể, cá nhân đã đạt được kết quả sau đây thì được đề nghị khen thưởng: Kết quả hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thông qua các hoạt động nghiệp vụ để góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

Thực hành quyền công tố và kiểm sát tốt việc xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Có biện pháp tổ chức nắm chắc tin báo, tố giác về tội phạm xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là ở nông thôn để phân loại, xử lý kịp thời, chính xác, tránh bỏ lọt tội phạm.

Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử: Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ án xảy ra trên địa bàn nông thôn; chú trọng kiến nghị khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý; đồng thời tùy theo tính chất, mức độ từng vụ án, chủ động phối hợp xác định án điểm và tổ chức xét xử lưu động tại các xã xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền pháp luật, góp phần vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Chủ động nắm bắt các vụ, việc về tranh chấp dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình để có biện pháp đôn đốc Tòa án giải quyết nhanh; kiểm sát chặt chẽ quá trình tố tụng, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án nhằm đảm bảo việc giải quyết đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng giải quyết kéo dài, gây bức xúc đối với đương sự và ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của địa phương.

Trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân: Giải quyết kịp thời những vụ việc thuộc thẩm quyền, đồng thời hướng dẫn hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng luật định; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những đơn thư tồn đọng kéo dài.

Trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự: Thực hiện tốt công tác kiểm sát việc chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ và các hình phạt khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự hướng dẫn UBND cấp xã về công tác quản lý, giáo dục người phải chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng người phải thi hành án tiếp tục vi phạm pháp luật.

Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự: Phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự giải quyết những trường hợp có điều kiện thi hành án, không để kéo dài gây bức xúc cho người được thi hành án. Kiểm sát công tác xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. Chất lượng, tỉ lệ thi hành án dân sự xong về việc và về tiền trên tổng số án dân sự có điều kiện thi hành được nâng cao.

Kết quả phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”, tổ chức các buổi tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, về những nội dung và tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã đã được lựa chọn để xây dựng; cung cấp tờ rơi, tài liệu hỏi - đáp pháp luật; hỗ trợ tủ sách pháp luật...; cung cấp thông tin hoặc đưa tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đóng góp, kêu gọi đóng góp, ủng hộ sức người, sức của giúp các xã sớm hoàn thành một hoặc một số nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nếu có), như: Xây dựng hệ thống giao thông (nhựa hóa hoặc bê tông hóa); xây dựng hệ thống các công trình cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (ví dụ: xây dựng nhà văn hóa xã, thôn đạt chuẩn; sân chơi thể thao...); xây dựng các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế, giáo dục; xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn.

Cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi (nạo vét kênh mương, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng); hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bằng các hình thức giúp phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân...; tham gia bảo vệ môi trường xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải; trồng mới cây xanh ở các công trình công cộng; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm...

Ngoài ra, theo Hướng dẫn, các hình thức khen thưởng, gồm: Giấy khen của Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, của Viện trưởng VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng.

Cũng theo VKSND tối cao, căn cứ Hướng dẫn này, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tiến hành tổng kết, gửi báo cáo tổng kết hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020 và hồ sơ đề nghị khen thưởng về Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao trước ngày 30/8/2019. Thời điểm xây dựng Báo cáo tổng kết tính từ ngày 1/6/2011 đến 31/5/2019.
P.V