Đối với việc mua sắm tài sản công trong trường hợp không lập thành dự án đầu tư, công văn số 4931/VKSTC-C3 nêu: Thứ nhất, mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương: Đối với mua sắm tài sản công của VKSND cấp tỉnh: Đối với tài sản công có giá trị đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm tài sản công đến dưới 3.000 triệu đồng/01 gói mua sắm tài sản: Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định mua sắm tài sản công của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, của Ngành. Đối với tài sản công có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm từ 3.000 triệu đồng trở lên/01 gói mua sắm tài sản: Bước 1. Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, VKSND cấp tỉnh lập 01 bộ hồ sơ gửi Cục Kế hoạch - Tài chính. Bước 2. Không quá 30 ngày, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng VKSND tối cao quyết định mua sắm tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị mua sắm không phù hợp.

Đối với mua sắm tài sản công của VKSND cấp huyện: Đối với tài sản công có giá trị đến dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm tài sản công đến dưới 500 triệu đồng/01 gói mua sắm tài sản: Viện trưởng VKSND cấp huyện quyết định mua sắm tài sản công của đơn vị mình, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, của Ngành. Đối với tài sản công có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm tài sản công từ 500 triệu đồng đến dưới 3.000 triệu đồng/01 gói mua sắm tài sản: Bước 1: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, VKSND cấp huyện lập 01 bộ hồ sơ gửi VKSND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Bước 2: Không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định mua sắm tài sản công hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị mua sắm không phù hợp.

Đối với tài sản công có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm từ 3.000 triệu đồng trở lên/01 gói mua sắm tài sản: Bước 1: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, VKSND cấp huyện lập 01 bộ hồ sơ gửi VKSND cấp tỉnh thẩm tra, tổng hợp gửi Cục Kế hoạch - Tài chính. Bước 2: Không quá 30 ngày, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình Viện trưởng VKSND tối cao quyết định mua sắm tài sản công theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị mua sắm không phù hợp.

Thứ hai, đối với việc mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ: Đối với tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm của VKSND cấp tỉnh (giá trị đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc dưới 3.000 triệu đồng/01 gói mua sắm tài sản): Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định mua sắm cho đơn vị mình và đơn vị cấp huyện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản sản công theo quy định của pháp luật và của Ngành. Đối với tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm của Viện trưởng VKSND tối cao (giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc giá trị mua sắm từ 3.000 triệu đồng trở lên/01 gói mua sắm tài sản): Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định mua sắm cho đơn vị mình và đơn vị cấp huyện thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến bằng văn bản của Cục Kế hoạch - Tài chính, đảm bảo nguyên tắc đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản sản công theo quy định của pháp luật và của Ngành.

Liên quan đến nội dung quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công, công văn số 4931/VKSTC-C3 hướng dẫn: Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại đơn vị (bao gồm cả tiền bồi thường tài sản, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Sở tài chính địa phương để chi trả chi phí xử lý tài sản. Đồng thời, việc bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì tài sản công được thực hiện theo Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC ngày 05/01/2018 của VKSND tối cao về việc hướng dẫn lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong ngành KSND. 

Về tổ chức thực hiện, công văn số 4931/VKSTC-C3 nêu rõ: Thứ nhất, Thủ trưởng các đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Thông tư số 144/2017/TT-BTC; Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 30/7/2018. Thứ hai, các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao thực hiện thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công áp dụng cho VKSND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tại công văn này, gồm: Văn phòng VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao; Báo Bảo vệ pháp luật; Tạp chí Kiểm sát; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh. Thứ ba, các nội dung chưa hướng dẫn tại công văn này, đơn vị thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Thông tư số 144/2017/TT-BTC; Quyết định số 94/QĐ-VKSTC và các quy định khác có liên quan.

Xem toàn bộ công văn số 4931/VKSTC-C3 và phụ lục kèm theo tại đây: huong-dan-4931-vkstc-ngay-13-11-2018.docphu-luc-dinh-kem-vb-hd-thu-tuc-hanh-chinh-cong.doc

P.V

Cùng với các quy định về việc mua sắm tài sản công trong trường hợp không lập thành dự án đầu tư, công văn số 4931/VKSTC-C3 của VKSND tối cao còn đề cập đến các nội dung như: việc thuê tài sản công; việc chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công; việc thu hồi tài sản công; việc điều chuyển tài sản công; việc bán tài sản công (không phải là trụ sở làm việc); việc thanh lý tài sản công; tài sản công bị mất, bị hủy hoại…