Ngày 17/11, VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 129/KH-VKSTC về thực hiện quy trình tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao. Theo đó, việc tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm phải thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Viện trưởng VKSND tối cao quản lý thống nhất công tác tổ chức cán bộ trong Ngành. 

Theo Kế hoạch số 129/KH-VKSTC, quá trình tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai; quy trình tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm phải được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định.

Căn cứ số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao theo quy định tại Điều 93 Luật tổ chức VKSND năm 2014; trên cơ sở nhu cầu, cơ cấu và vị trí công tác, số lượng đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao năm 2020 là 1 đồng chí.

Để đảm bảo theo quy định tại Điều 43 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Nghị quyết số 89-NQ/BCSĐ ngày 11/3/2019 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về cơ cấu, bố trí Kiểm sát viên VKSND tối cao và Thông báo số 476-TB/BCSĐ ngày 21/7/2020 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về việc đồng ý cho chủ trương đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao, đối tượng thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao là Kiểm sát viên cao cấp giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

Về điều kiện, tiêu chuẩn: Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao theo quy định tại Điều 75 và Điều 80 Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Được đơn vị, cấp ủy nơi công chức công tác hoặc sinh hoạt đảng đánh giá quá trình công tác liên tục trong 3 năm công tác gần nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; được tập thể công chức tín nhiệm; tập thể lãnh đạo, cấp uỷ đơn vị nơi công chức công tác hoặc sinh hoạt đảng đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Được Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan VKSND tối cao và Hội nghị cán bộ chủ chốt trong cơ quan VKSND tối cao tín nhiệm đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Đạt trên 50% số phiếu của Uỷ ban Kiểm sát VKSND tối cao thống nhất trình Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao tuyển chọn, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Được cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú.

Không trong thời gian đang xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật; có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân; phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Lê Minh Trí trao quyết định của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao đối với đồng chí Nguyễn Quang Dũng. 

Cũng theo Kế hoạch, nội dung tiến hành gồm 5 bước. Cụ thể: Bước 1: Hội nghị toàn thể công chức đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm công tác hoặc sinh hoạt đảng; Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng.

Thực hiện chủ trương của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về việc đồng ý cho thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao đối với đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Kiểm sát viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), nay giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao (Thông báo số 476-TB/BCSĐ ngày 21/7/2020); đơn vị, cấp ủy Vụ 3 nơi đồng chí Nguyễn Quãng Dũng công tác trước đây và đang sinh hoạt đảng tổ chức hội nghị toàn thể công chức để tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm, có sự tham gia của Vụ Tổ chức cán bộ.

Bước 2: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan VKSND tối cao. Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở bước 1, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan VKSND tối cao để tổ chức hội nghị nhận xét và lấy phiếu tín nhiệm đối với người được đề nghị bổ nhiệm.

Bước 3: Hội nghị cán bộ chủ chốt (hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu VKSND tối cao, đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại TP Hồ Chí Minh, VKSND cấp cao 2, 3 và VKSND cấp tỉnh).

Bước 4: Hội nghị Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao. Uỷ ban kiểm sát VKSND tối cao họp (hoặc gửi xin ý kiến) để xem xét, biểu quyết đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm.

Bước 5: Nghị quyết Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao. Trên cơ sở kết quả cuộc họp của Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao tổ chức phiên họp (hoặc gửi xin ý kiến) để tuyển chọn, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.

P.V