Theo Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) thì có 3 trường hợp được xóa án tích, bao gồm: Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70), xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71), xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72).
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS.
Theo khoản 2 Điều 70 BLHS quy định người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, hết thời hiệu thi hành bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
1) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
2) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
3) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
4) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các trường hợp 1, 2, 3 nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Về cách tính thời hạn để xóa án tích, khoản 1 Điều 73 BLHS quy định “Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”. Tuy nhiên, điều luật này lại không quy định cụ thể trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì cách tính thời hạn để xóa án tích được xác định như thế nào đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong cách tính xóa án tích trong trường hợp này. Ví dụ:
Ngày 27/11/2015 Nguyễn Văn A bị TAND huyện PS, tỉnh HN xử phạt 2 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”;
Ngày 18/01/2016, Nguyễn Văn A bị TAND huyện ĐG, tỉnh HN xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”;
Ngày 14/2/2016 Nguyễn Văn A bị TAND huyện NH, tỉnh HN xử phạt 3 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”;
Ngày 25/4/2016 TAND tỉnh HN ra quyết định tổng hợp hình phạt buộc Nguyễn Văn A phải thi hành hình phạt tù của 3 bản án là 6 năm 6 tháng. Tháng 2/2021 Nguyễn Văn A chấp hành xong hình phạt của 3 bản án trên. Sau khi ra tù, tháng 4/2023 Nguyễn Văn A lại phạm tội trộm cắp tài sản. Vấn đề đặt ra là lần phạm tội này của A có coi là “tái phạm” hay không?
|
|
Xác định thời hạn xóa án tích trong giải quyết các vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng. |
Xác định thời hạn để xóa án tích trong trường hợp trên có 2 luồng quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Các lần phạm tội trước đây của Nguyễn Văn A đều là ít nghiêm trọng, nên theo nguyên tắc có lợi thì thời hạn để xóa án tích được tính theo hình phạt chính của bản án cao nhất là bản án ngày 14/2/2016 xử phạt Nguyễn Văn A 3 năm tù. Do đó, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 70 BLHS thì thời hạn để xác định xóa án tích đối với Nguyễn Văn A được xác định là 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Nguyễn Văn A chấp hành xong án phạt tù của cả 3 bản án trên vào tháng 2/2021; đến tháng 4/2023 Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản là đã quá thời hạn 2 năm nên lần phạm tội này của Nguyễn Văn A không bị coi là tái phạm.
Quan điểm thứ 2 cho rằng: TAND tỉnh HN đã ra quyết định tổng hợp hình phạt buộc Nguyễn Văn A phải thi hành hình phạt tù của cả 3 bản án là 6 năm 6 tháng nên thời hạn để xác định xóa án tích đối với Nguyễn Văn A phải căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 70 BLHS là 3 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Nguyễn Văn A chấp hành xong án phạt tù của cả 3 bản án trên vào tháng 2/2021; đến tháng 4/2023 Nguyễn Văn A lại phạm tội trộm cắp tài sản là chưa đủ thời hạn 3 năm nên lần phạm tội này của Nguyễn Văn A bị coi là tái phạm.
Quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ 2 vì theo khoản 1 Điều 73 BLHS quy định “Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”. Trong trường hợp này 3 bản án của TAND cấp huyện đã được tổng hợp bằng 1 quyết định của TAND tỉnh HN là 6 năm 6 tháng do đó thời hạn để xóa án tích phải tính theo hình phạt chính được tổng hợp của các bản án mới đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Xác định thời hạn xóa án tích trong giải quyết các vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng, trong nhiều trường hợp “án tích” là căn cứ để xác định một người có phải là tội phạm hay không hoặc để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết định khung tăng nặng hình phạt... Vì vậy, để nhận thức và áp dụng quy định về xóa án tích được thống nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 BLHS như sau:
“1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
Trường hợp phạm nhiều tội hoặc nhiều bản án thì thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã được tổng hợp trong bản án. Trường hợp có nhiều hình phạt chính khác nhau không tổng hợp được thì căn cứ vào hình phạt chính cao nhất”.