leftcenterrightdel
Kiểm sát trực tiếp công tác tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Lạc Sơn. Ảnh: VKSND tỉnh Hòa Bình 

Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, thay thế Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo)  quy định:  

“1. Về việc giao người được hưởng án treo cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách: 

a) Khi cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án việc giao người được hưởng án treo cho… cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách”. 

Đối với người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ, tại khoản 2 Điều 36 BLHS quy định: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập… để giám sát, giáo dục”.

Tuy nhiên, những quy định nêu trên đang nảy sinh một số vấn đề bất cập như sau:

Thứ nhất: Chưa tương thích giữa Điều 65 BLHS, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo với Luật Thi hành án hình sự (THAHS), ở chỗ: 

Tại khoản 3 Điều 10 Luật THAHS năm 2010 và tại khoản 3 Điều 11 Luật THAHS năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) đều quy định chỉ có 3 cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS, cụ thể là: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam); Ủy ban nhân dân cấp xã; Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội). 

Như vậy, ngoài 3 cơ quan trên thì Luật THAHS không giao cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khác (như nhà trường, bệnh viện, công sở…) được thực hiện một số nhiệm vụ THAHS, trong đó có công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ. Chính vì lẽ đó, tại tất cả các điều của Luật THAHS về thi hành án treo (từ Điều 61 đến Điều 70 của Luật THAHS năm 2010, từ Điều 84 đến Điều 94 của Luật THAHS năm 2019), tất cả các điều về thi hành án cải tạo không giam giữ (từ Điều 71 đến Điều 81 của Luật THAHS năm 2010, từ Điều 96 đến Điều 106 của Luật THAHS năm 2019), đều không có quy định nào về việc giao và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ làm việc, học tập phải giám sát, giáo dục, chỉ bởi lẽ họ không phải là cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS nên không có trách nhiệm này. Điều này là trái với quy định tại Điều 65 BLHS, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo về việc giao cho cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ làm việc, học tập phải giám sát, giáo dục.

Thứ hai: Nếu giao người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập phải giám sát, giáo dục thì Cơ quan THAHS phải bàn giao hồ sơ cho các cơ quan, tổ chức đó, như vậy công tác quản lý hồ sơ, công tác giám sát, giáo dục, bàn giao hồ sơ sau khi người được hưởng án treo chấp hành xong thời gian thử thách, người bị phạt cải tạo không giam giữ chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện ra sao, vì hiện nay chưa có quy định nào hướng dẫn về vấn đề này.

Thứ ba: Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của người được hưởng án treo, người phải chấp hành án cải tạo không giam giữ trong trường hợp họ xin đi khỏi nơi cư trú, xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ… thì các cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập không có thẩm quyền để xử lý. 

Thứ tư: VKS không kiểm sát được những trường hợp giao người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục. Bởi lẽ,  theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Quy chế kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, THAHS ban hành kèm theo Quyết định số 501 ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao thì Viện Kiểm sát chỉ kiểm sát việc UBND cấp xã, đơn vị quân đội nơi người chấp hành án cư trú, làm việc và học tập trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Như vậy, trong công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ thì chỉ có 2 đơn vị là UBND cấp xã, đơn vị quân đội nơi người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ cư trú, làm việc hoặc học tập mới thuộc đối tượng kiểm sát của VKS.

Từ lý luận và thực tiễn nêu trên cho thấy: Việc Tòa án giao người được hưởng án treo, người phải chấp hành án cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục là không phù hợp, gây khó khăn cho quá trình thi hành án. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ giao cho 1 trong 2 cơ quan: Nếu không phải là người làm việc, học tập trong quân đội thì giao cho UBND cấp xã nơi người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ cư trú; nếu là người trong quân đội (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng…) thì giao cho đơn vị quân đội nơi họ làm việc hoặc học tập để giám sát, giáo dục là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ.

Vương Quốc Khánh