Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 quy định
“3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Hiện nay việc áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS ở trên phần lớn là đối với tội phạm “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 BLHS. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát còn có 2 quan điểm khác nhau, dẫn đến xử lý vụ việc không được đồng bộ, thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người thực hiện tội phạm có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, thì trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, Cơ quan điều tra có thể miễn trách nhiệm hình sự cho họ và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Theo quan điểm này, khi người thực hiện tội phạm đã được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, nếu Cơ quan điều tra không miễn trách nhiệm hình sự cho họ, vẫn khởi tố vụ án, sau đó mới miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can chỉ làm mất thời gian, tốn kém tiền của Nhà nước và không đúng với tinh thần của điều luật trên.
Quan điểm thứ hai cho rằng, phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can sau đó mới miễn trách nhiệm hình sự. Vì hiện tại luật không quy định miễn trách nhiệm hình sự trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất với lý do: Khoản 3 Điều 29 BLHS đã quy định cho Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát có quyền miễn trách nhiệm hình sự cho “Người thực hiện tội phạm nghiêm trong do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự…".
Quy định này không chỉ loại bỏ tội phạm, tránh việc khởi tố, điều tra mất thời gian, tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến bản thân người phạm tội, còn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật; động viên, khuyến khích người phạm tội, bị hại, đại diện bị hại hòa giải, thông cảm, đoàn kết với nhau, cùng nhau khắc phục hậu quả.
Điều luật này trao cho bị hại, đại diện bị hại quyền tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Đây cũng là điều kiện duy nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trường hợp này cũng tương tự như quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại tại Điều 155 BLTTHS. Nếu người bị hại không yêu cầu thì không khởi tố vụ án, khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì đình chỉ điều tra vụ án.
Từ phân tích trên, chúng tôi nhận thấy, việc miễn trách nhiện hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS được thực hiện cả trước hoặc sau khi khởi tố vụ án hình sự. Nếu chưa khởi tố vụ án người thực hiện tội phạm có đủ điều kiện theo khoản 3 Điều 29 BLHS thì Cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự bằng Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu đã khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự bằng Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can.