Cấm đi khỏi nơi cư trú và Tạm hoãn xuất cảnh trong giai đoạn truy tố
Cập nhật lúc 16:11, Thứ tư, 21/08/2019 (GMT+7)
“Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh” là 2 biện pháp ngăn chặn trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Điều kiện, thẩm quyền và thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này được quy định cụ thể tại các Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định
“4. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.
Khoản 3 Điều 124 BLTTHS quy định
“3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.
Theo các quy định trên thì Cơ quan điều tra khi áp dụng một trong hai biện pháp ngăn chặn là “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hoặc “Tạm hoãn xuất cảnh” đối với bị can theo quy định tại Điều 123, Điều 124 BLTTHS thì thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này đối với bị can là không quá thời hạn điều tra do cơ quan điều tra ấn định trong Lệnh, Quyết định (theo mẫu số 39, 42 ban hành theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự), tuy nhiên không thể quá thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 BLTTHS.
Đến giai đoạn truy tố, Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao có ban hành biểu mẩu Cấm đi khỏi nơi cư trú (mẫu 51) và Tạm hoãn xuất cảnh (mẫu 54). Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên hiện nay nhiều VKSND cấp huyện chưa mạnh dạn thực hiện, dẫn đến thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh không liên tục ở giai đoạn truy tố, do đó bị can có thể không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn này khi Viện kiểm sát không ban bành văn bản, nếu bị can bỏ đi khỏi nơi cư trú hay xuất cảnh thì trách nhiệm sẽ thuộc về Viện kiểm sát.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới VKSND cấp huyện cần thực hiện đúng quy định của BLTTHS trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói trên, nhằm đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất.
Văn Lộc (VKSND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ)