Cụ thể, VKSND các cấp tập trung chỉ đạo đổi mới công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Ngành, đề ra các biện pháp nhằm thực hiện, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ của VKSND trong Nghị quyết số 96/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác này.

Chỉ đạo Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để khắc phục hạn chế, thiếu sót, kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, kiên quyết trong thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị. Thực hiện những biện pháp thiết thực để phát hiện kịp thời, đầy đủ những vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp; chú trọng kiểm sát đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Các đơn vị trong phạm vi thẩm quyền cần đẩy mạnh công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nhất là của Tòa án cấp huyện để thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên tòa dân sự (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, VKSND các cấp cần nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp, nhất là đối với các vụ án về tranh chấp đất đai. VKSND các cấp tăng cường các biện pháp và chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Đối với những vụ án dân sự phức tạp, kéo dài, có nhiều quan điểm cần phải có ý kiến của tập thể lãnh đạo Viện, Ủy ban Kiểm sát hoặc thỉnh thị VKS cấp trên trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải lập luận chặt chẽ, đúng căn cứ pháp luật và được lãnh đạo VKS phê duyệt.

Tăng cường kiểm tra chất lượng nghiên cứu lập hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc và phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Tổ chức các cuộc thi viết bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai.

VKSND các cấp cần nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, “Quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án” (Ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 6/9/2019), Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 18/10/2019 của VKSND tối cao “Hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định dân sự, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị Tòa án cấp trên hủy có trách nhiệm của VKS ngang cấp, đồng thời nâng cao tỷ lệ chất lượng kháng nghị phúc thẩm của VKS ngang cấp”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Mặt khác, cần tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của VKS so với năm 2019. VKS cấp sơ thẩm phải kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, việc áp dụng pháp luật của Tòa án, nâng cao chất lượng việc thực hiện quyền yêu cầu; kịp thời phát hiện những vi phạm của Tòa án để tăng cường kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. VKS cấp trên có trách nhiệm bảo vệ kháng nghị; trường hợp kháng nghị của VKS có căn cứ nhưng không được Tòa án chấp nhận thì phải báo cáo để VKS có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Kháng nghị không được Hội đồng xét xử chấp nhận cần tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời.

Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm trên, Hướng dẫn còn đề cập đến các nhiệm vụ khác như: Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra.

P.V