Hướng dẫn của VKSND tối cao nêu rõ: Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, VKSND tối cao xác định khâu công tác đột phá của năm 2020 là: “Nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp”, đồng thời hướng dẫn toàn Ngành thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, theo hướng dẫn, trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức. VKSND các cấp chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm việc trong lĩnh vực công tác kiểm sát này.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Quán triệt, thực hiện tốt nội dung Mục 2.2 Chỉ thị số 01/CT-VKSTC, đó là: “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; Kiểm sát viên phải nắm chắc, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; chú trọng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm tra viên, Kiểm sát viên làm công tác này. Tập trung chỉ đạo hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tranh chấp về kinh doanh, thương mại, yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính; quyết liệt thực hiện các quyền yêu cầu, kiên quyết thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật”.
VKSND các cấp phải kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật kịp thời, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng án bị hủy, sửa mà Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm nên không kháng nghị hoặc thông báo đề nghị kháng nghị.
Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Ngành về việc Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
|
|
Một phiên tòa giải quyết vụ án hành chính (Ảnh minh họa) |
Mặt khác, VKSND các cấp tích cực tham gia, đóng góp có chất lượng vào việc xây dựng các quy chế, quy định nghiệp vụ và việc tổ chức các hội nghị có liên quan của VKSND tối cao. Theo đó, trong năm 2020, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh góp ý có chất lượng, trách nhiệm vào Quy chế công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, Quy định về quy trình kỹ năng kiểm sát việc giải quyết phá sản.
Đồng thời tích cực tham dự 3 hội nghị, gồm: Hội nghị tập huấn pháp luật về lĩnh vực đất đai; Hội nghị tập huấn, trao đổi, rút kinh nghiệm nghiệp vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 và Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND trong toàn Ngành.
Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm trên, Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC cũng đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Nâng cao chất lượng cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức; về thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát; về tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, sự giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp; về tăng cường mối quan hệ phối hợp trong và ngoài Ngành; về công tác kiểm tra nghiệp vụ.