PV Báo Bảo vệ pháp luật đã ghi lại ý kiến tham luận của Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội Lê Tư Quỳnh xung quanh nội dung này.

Xử lý với tiêu chí  “không có vùng cấm”

Ông Lê Tư Quỳnh cho biết, trong những năm gần đây, công tác đấu tranh PCTN đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, với tiêu chí “không có vùng cấm”, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Tội phạm tham nhũng xảy ra chủ yếu trong các lĩnh vực: Quản lý nhà nước, các lĩnh vực liên quan đến tài chính, tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản... gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây thất thoát Ngân sách nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng trong thời gian gần đây cho thấy, những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử, trong đó nhiều vụ đại án liên quan đến những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước phạm tội do tham nhũng, số tiền của Nhà nước bị thất thoát hoặc bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến hàng nghìn tỉ đồng nhưng số tiền thu hồi được so với thất thoát, chiếm đoạt chiếm tỷ lệ nhỏ, điều đó cho thấy, công tác đấu tranh PCTN là cấp bách và cần thiết, trong đó có việc xử lý cán bộ tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Cùng với việc xử lý nghiêm khắc đối tượng tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng là một trong những vấn đề bức thiết trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay.

leftcenterrightdel
Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội Lê Tư Quỳnh tham luận tại hội nghị. 

Ông Lê Tư Quỳnh cho biết thêm, trước tình hình trên, trong giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (THQCT&KSXX) phúc thẩm các vụ án tham nhũng, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo THQCT& KSXX nghiêm minh đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, đặc biệt là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo giải quyết. 

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trong công tác THQCT& KSXX phúc thẩm các vụ án tham nhũng, theo ông Lê Tư Quỳnh, thời gian qua vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong các vụ án tham nhũng, đa phần các bị cáo có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật nên việc đấu tranh đối với loại tội phạm này hết sức khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định tội danh trong các vụ án tham nhũng thường có nhiều ý kiến khác nhau về tội danh, về số tiền gây thiệt hại, đặc biệt là việc áp dụng pháp luật nên một số vụ án tham nhũng, Tòa án cấp phúc thẩm buộc phải sửa án hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại. Thêm vào đó, một số kết quả giám định của các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa rõ ràng, chưa xác định nguyên nhân chính gây ra thiệt hại hoặc không xác định cụ thể hậu quả thiệt hại, không có giải thích kết luận giám định, hoặc thủ tục giám định chưa đúng quy trình, kéo dài nên cơ quan tố tụng không có căn cứ hoặc gặp vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng. Ngoài ra, đối với tài sản tham nhũng, kinh tế bị chiếm đoạt do tư lợi cá nhân, thường khi phát hiện thì đã được tẩu tán hoặc tiêu xài cá nhân cũng như để thất thoát lãng phí, khó có khả năng thu hồi.

Để nâng cao hiệu quả công tác THQCT&KSXX đối với các vụ án tham nhũng, ông Lê Tư Quỳnh cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tiếp tục thực hiện chủ trương đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước và không được “chùng xuống”, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Trước khi xét xử phúc thẩm đối với các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Kiểm sát viên được giao THQCT&KSXX phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị dự thảo kết luận quan điểm của VKS tại phiên tòa. Kiểm sát viên phải chuẩn bị dự kiến câu hỏi, nội dung thẩm vấn sát với diễn biến phiên tòa; dự kiến những nội dung tranh tụng trên cơ sở nghiên cứu kỹ Biên bản phiên tòa sơ thẩm để nhận định được diễn biến của phiên tòa và có sự chuẩn bị phương án hợp lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên THQCT&KSXX cần thẩm vấn rõ hành vi phạm tội của bị cáo để đánh giá vai trò, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, qua đó đề xuất mức hình phạt đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe trong đấu tranh với loại tội phạm này. Đặc biệt, Kiểm sát viên cần thẩm vấn làm rõ đường đi của tài sản tham nhũng; xác định nơi ẩn giấu tài sản tham nhũng mà trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm chưa xác định được để từ đó có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là giải pháp quan trọng để thu hồi tài sản trong quá trình xét xử phúc thẩm đối với các vụ án tham nhũng. 

Thông qua công tác xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên cần tác động tâm lý trực tiếp để bị cáo phạm tội tham nhũng khai nhận ra tài sản chiếm đoạt đang cất giấu ở đâu, có tài sản gì để khắc phục để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng xét xử áp dụng triệt để nguyên tắc: “Tài sản được thu hồi, khắc phục đến đâu thì được xem xét giảm án đến đó”. Việc bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả là tình tiết để xem xét quyết định mức hình phạt cho các bị cáo, thúc đẩy các bị cáo và thân nhân của bị cáo tự nguyện trả lại tài sản và bồi thường cho người bị thiệt hại. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về định lượng khắc phục hậu quả tương đương với mức án được giảm hình phạt (tính tỷ lệ % so với số tiền phải khắc phục). Có như vậy mới tạo hành lang pháp lý cụ thể để các bị cáo nộp tiền nhằm được hưởng lượng khoan hồng. Việc này cũng cần áp dụng trong cả giai đoạn thi hành án.

Ngoài ra, theo ông Lê Tư Quỳnh, cần tăng cường công tác thông báo rút kinh nghiệm nói chung, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng để VKSND cấp dưới tham khảo rút kinh nghiệm trong THQCT đối với các vụ án tham nhũng.

Trong thời gian 3 năm, từ tháng 7/2015 đến nay, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý xét xử phúc thẩm 43 vụ/132 bị cáo kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm liên quan đến án tham nhũng, kinh tế; với các tội, gồm: Tội Tham ô tài sản; Tội Nhận hối lộ; Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Tội Giả mạo trong công tác... Trong đó nổi lên một số vụ đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ án Đinh La Thăng cùng đồng phạm; Vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm; Vụ Trịnh Xuân Thanh...

P.V