Quản lý đầy đủ và chính xác số liệu tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

VKSND tối cao vừa có hướng dẫn đối với VKSND cấp tỉnh; các VKSND cấp cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (các Vụ nghiệp vụ); Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11); Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Cục 1); Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao (Cục 2) về công tác quản lý, tổng hợp và báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Theo Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC, công tác quản lý, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải đảm bảo các yêu cầu, đó là: Quản lý đầy đủ và chính xác số liệu tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; số tài sản đã thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chấp hành nghiêm chế độ thống kê, báo cáo; bảo đảm số liệu, nội dung báo cáo đầy đủ, chính xác, đúng yêu cầu theo Quy chế, Quy định của Ngành và Hướng dẫn này.

Bảo đảm việc đánh giá đúng thực trạng, kết quả thu hồi tài sản qua các giai đoạn tố tụng, các biện pháp thu hồi và hình thức xử lý tài sản; đưa ra khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và Cơ quan thi hành án dân sự để thống nhất số liệu giữa các ngành, nâng cao hơn nữa chất lượng; hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, chú trọng bổ sung chỉ tiêu số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và số tài sản đã thu hồi vào các chỉ tiêu thống kê toàn Ngành.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý, tổng hợp và báo cáo, Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC nêu rõ: VKSND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân) và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo. Đồng thời, quản lý, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát cấp huyện, xây dựng báo cáo gửi VKSND cấp tỉnh đúng thời hạn.

VKSND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân) và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo. Riêng đối với những vụ án do VKSND tối cao truy tố và phân công VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, đơn vị thụ lý chỉ tổng hợp, báo cáo số liệu tài sản được thu hồi trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đồng thời, quản lý, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các VKSND cấp huyện; nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát cấp tỉnh, xây dựng báo cáo gửi VKSND tối cao (Vụ 5) đúng thời hạn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với VKSND tối cao về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Vụ nghiệp vụ và các đơn vị khác thuộc VKSND tối cao, Vụ 1, Vụ 3, Vụ 5 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo, đồng thời đôn đốc đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm báo cáo đầy đủ kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án do đơn vị mình truy tố.

Vụ 11 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục thi hành án, Bộ Tư pháp để theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án. Cục 1 phối hợp chặt chẽ với Vụ 6 trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Các VKSND cấp cao có trách nhiệm theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong giai đoạn xét xử phúc thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Viện kiểm sát quân sự Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án) và Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và phụ lục kèm theo. Đồng thời, quản lý, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Viện kiểm sát quân khu và tương đương; Viện kiểm sát quân sự khu vực; xây dựng báo cáo và gửi VKSND tối cao (Vụ 5) đúng thời hạn.

Cụ thể nội dung trong báo cáo định kỳ

Liên quan đến báo cáo định kỳ, Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC nêu rõ: Định kỳ 06 tháng, 12 tháng (báo cáo sơ kết, tổng kết công tác năm) và thời điểm xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội, VKSND cấp huyện xây dựng báo cáo gửi VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh báo cáo tổng hợp chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế gửi VKSND tối cao (Vụ 5). Các Vụ nghiệp vụ, Vụ 11, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao 1, 2, 3; Cục 1, Cục 2 có trách nhiệm tổng hợp báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản của đơn vị, cung cấp số liệu kèm theo phụ lục và gửi về VKSND tối cao (Vụ 5) để tổng hợp chung.

Về nội dung báo cáo định kỳ, Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC nêu: Báo cáo của VKSND cấp huyện, tỉnh; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các Vụ nghiệp vụ (Vụ 1, 3, 5, 6) phải nêu rõ 2 mục. Cụ thể, Mục I gồm các nội dung: Thực trạng công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: Yêu cầu báo cáo đầy đủ tình hình tội phạm và kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong kỳ.

Tổng số tài sản (gồm tiền và các tài sản có giá trị chưa hoặc không quy đổi thành tiền) bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế (cả số cũ và số mới), trong đó cần phân tích cụ thể số liệu về tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng là bao nhiêu? về tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế là bao nhiêu? mỗi loại án nêu 1 vụ điển hình có số tài sản bị thiệt hại hoặc chiếm đoạt lớn tại địa phương mới bị phát hiện, khởi tố trong kỳ.

Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: Báo cáo tổng số tài sản đã thu hồi trong kỳ/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại? (đạt tỷ lệ ?%), trong đó: Phân tích cụ thể số tài sản đã thu hồi trong các vụ án tham nhũng/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng (đạt tỷ lệ?%) và Số tài sản đã thu hồi trong các vụ án kinh tế/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế (chiếm tỷ lệ?%).

Kết quả thu hồi tài sản trong các giai đoạn tố tụng: Báo cáo đầy đủ kết quả thu hồi tài sản trong các giai đoạn: giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử sơ thẩm; xét xử phúc thẩm; thi hành án. Đánh giá cụ thể kết quả thu hồi của mỗi giai đoạn chiếm bao nhiêu % so với tổng số tài sản đã thu hồi; dẫn chứng 1 số vụ án điển hình có kết quả thu hồi cao trong từng giai đoạn tố tụng.

Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản (nêu rõ số tài sản đã thu hồi theo từng biện pháp đã áp dụng, tỷ lệ đạt được của từng biện pháp); các hình thức xử lý tài sản đã thu hồi sản (nêu rõ số tài sản đã được xử lý theo từng hình thức đã thực hiện); nhận xét, đánh giá kết quả đạt được; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (cần có dẫn chứng vụ án cụ thể có khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản).

Mục II: Đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng gồm các nội dung: Giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng (nêu giải pháp thực tiễn, có tính khả thi cao); kiến nghị (kiến nghị với các bộ, ngành, Quốc hội)…

Báo cáo của các VKSND cấp cao thực hiện nội dung như trên trong giai đoạn xét xử phúc thẩm; Cục 1 thực hiện nội dung như trên trong giai đoạn khởi tố (tin báo) và điều tra; báo cáo của Vụ 11 phải nêu rõ kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại; các hình thức xử lý tài sản đã thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án theo từng điều luật cụ thể.

Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC còn đề cập đến thời điểm lấy số liệu báo cáo, phụ lục; thời điểm gửi báo cáo, phụ lục đối với báo cáo định kỳ. Đối với báo cáo đột xuất, Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC nêu rõ: Theo yêu cầu của Lãnh đạo VKSND tối cao, thời điểm lấy số liệu thống kê, nội dung báo cáo và thời hạn gửi báo cáo có thể sớm hơn hoặc khác hướng dẫn nêu trên.

 

P.V