Bảo đảm sự vô tư, khách quan, kịp thời trong tố tụng dân sự
VKSND tối cao (Vụ 9) vừa xây dựng, hoàn thành Dự thảo “Quy định về quy trình, kỹ năng hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa dân sự sơ thẩm” (Dự thảo Quy định) gửi các đơn vị, Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Quy định nêu rõ: Quy định này quy định về quy trình và kỹ năng hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, từ khi Kiểm sát viên được phân công nhận được hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, đến khi nhận và kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm (nếu có).
Quy trình và kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự được thực hiện theo Quy định về quy trình và kỹ năng kiểm sát bản án quyết định do VKSND tối cao ban hành, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy định, đối tượng áp dụng theo Quy định này, gồm: VKSND cấp tỉnh, cấp huyện; Kiểm sát viên được phân công tham gia xét xử sơ thẩm vụ án dân sự; Kiểm tra viên được phân công giúp việc cho Kiểm sát viên được phân công tham gia xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
Người nghiên cứu hồ sơ vụ án bao gồm: Kiểm sát viên được phân công tham gia xét xử, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Trường hợp Kiểm tra viên được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án thì quá trình nghiên cứu có đề xuất hoặc vướng mắc phải báo cáo Kiểm sát viên được phân công tham gia xét xử. Kiểm sát viên tham gia xét xử vụ án là người thẩm định các kết quả nghiên cứu của Kiểm tra viên và trực tiếp báo cáo Lãnh đạo đơn vị kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án (duyệt án).
Về nguyên tắc hoạt động, dự thảo Quy định nêu rõ: Hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự phải đảm bảo các nguyên tắc, đó là: Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự và các quy định khác có liên quan của pháp luật, thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất theo sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Đồng thời, bảo đảm sự vô tư, khách quan, kịp thời trong tố tụng dân sự; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thuộc VKSND; bảo đảm sự giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình, kỹ năng.
Về quy trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo dự thảo Quy định bao gồm các quy trình, đó là: Nghiên cứu Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quy trình nghiên cứu hồ sơ gồm: Kiểm sát việc thụ lý; Kiểm sát hoạt động việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; Kiểm sát việc xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Kiểm sát phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải; Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án; Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ; Kiểm sát việc lấy lời khai, đối chất; Kiểm sát việc trưng cầu giám định; Kiểm sát việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; Kiểm sát việc xem xét, thẩm định tại chỗ; Kiểm sát việc ủy thác thu thập chứng cứ.
Nghiên cứu, xem xét toàn diện, khách quan tất cả các tài liệu có trong hồ sơ vụ án
Đối với kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự thảo Quy định nêu: Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án phải nghiên cứu kỹ quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự. Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của Quyết định bao gồm về hình thức của Quyết định, thời hạn gửi quyết định, thẩm quyền ra quyết định, thời hạn ra quyết định, nội dung quyết định.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải đảm bảo các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; vụ án được đưa ra xét xử theo thủ tục thông thường hay rút gọn; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện quy định tại Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; họ, tên Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết (nếu có); họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; họ, tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có); ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa; xét xử công khai hoặc xét xử kín; họ, tên người được triệu tập tham gia phiên tòa.
Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án phải nghiên cứu toàn diện, khách quan, xem xét tất cả các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không được bỏ qua bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào. Ngoài ra, đối với những vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, Kiểm sát viên kiểm sát các điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Viện trưởng VKSND quy định thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án của người được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án, thời gian Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện kiểm sát, Viện trưởng duyệt án cho phù hợp. Trường hợp Tòa án chuyển hồ sơ vụ án ít hơn 15 ngày, vụ án phức tạp thì phải phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm nghiên cứu và báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát trước khi phải chuyển hồ sơ cho Tòa án.
Để nghiên cứu hồ sơ có kết quả, Kiểm sát viên phải nghiên cứu theo từng mạch vấn đề cụ thể, như: Nghiên cứu yêu cầu của nguyên đơn, hệ thống tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình, lời khai nhân chứng về phía nguyên đơn; nghiên cứu nội dung trình bày hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn, hệ thống tài liệu chứng cứ mà bị đơn xuất trình, lời khai nhân chứng về phía bị đơn; nghiên cứu yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hệ thống tài liệu chứng cứ mà người có quyền và nghĩa vụ liên quan xuất trình, lời khai nhân chứng về phía người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tài liệu của cơ quan quản lý nhà nước về đối tượng, nội dung tranh chấp; tài liệu do Tòa án thu thập…
Thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên toà tại Tòa án cấp sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy định còn đề cập đến các nội dung khác để lấy ý kiến, như: Kỹ năng kiểm sát việc thụ lý vụ án; kỹ năng kiểm sát hoạt động việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; kỹ năng kiểm sát việc xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; kỹ năng kiểm sát phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải; kỹ năng kiểm sát việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; kỹ năng kiểm sát việc lấy lời khai, đối chất; kỹ năng kiểm sát việc trưng cầu giám định, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; kỹ năng kiểm sát việc xem xét, thẩm định tại chỗ; kỹ năng kiểm sát việc ủy thác thu thập chứng cứ; quy trình và kỹ năng xây dựng báo cáo và báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát, dự kiến diến biến tại phiên tòa, dự kiến câu hỏi, dự thảo bài phát biểu; quy trình và kỹ năng hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa, sau phiên tòa…