Mới đây, VKSND tỉnh Đắk Nông đã phối hợp cùng TAND tỉnh mở phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Đặng Văn Đại (SN 1980, trú tại Bon Bu Prăng 2A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), phạm tội “Giết người”. Phiên tòa nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo, cùng sự tham dự của hơn 30 đồng chí là Lãnh đạo, cán bộ của VKSND, TAND tỉnh.

leftcenterrightdel
Bị cáo Đặng Văn Đại tại phiên tòa. 

Theo cáo trạng, vào khoảng 20h ngày 2/1, tại đoạn đường liên thôn thuộc bon Bu Prăng 2A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), Đại nghe tiếng ồn ào trước cửa nhà mình. Do bực tức nhiều ngày không được ngủ và trước đó đã uống nhiều rượu, không làm chủ được bản thân nên Đại đã đi xuống bếp lấy dao rồi đi ra đến vị trí đường đối diện nhà của mình.

Tại đây, Đại dùng dao đâm 1 nhát vào vùng ngực trái của anh Nguyễn Đức Hiền làm thủng phổi, thủng bao màng ngoài tim và đứt bán phần quai động mạch chủ bên trái. Hậu quả làm anh Hiền tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Đại được Công an triệu tập lên làm việc và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Đồng thời, tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án bị cáo phạm tội "Giết người".

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân, đồng thời trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đại mức án chung thân về tội “Giết người” theo tình tiết định khung tăng nặng: “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Nguyễn Huy Phúc - Trưởng phòng 1 VKSND tỉnh chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp tham dự phiên tòa, Kiểm sát viên trực tiếp THQCT, KSXX thấy được những ưu điểm, tồn tại, thiếu sót của bản thân.

Từ đó chủ động nghiên cứu, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xét hỏi, luận tội và rèn luyện kỹ năng đối đáp, tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, hoàn thiện tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ của người cán bộ ngành Kiểm sát. Mặt khác, qua đó cũng khẳng định vị thế, vai trò và hình ảnh của Viện kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Chính Cương