Sáng nay (20/6) tại Hà Nội, TAND tối cao đã tổ chức hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân định hướng đến năm 2030”. 1

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm của tư pháp để chỉ đạo cải cách. Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Toà án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo 

Trong việc hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật công chứng… với nội dung về cơ bản đã thể chế hóa được các định hướng mà Nghị quyết số 49 đề ra.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TAND đã được đổi mới, hoàn thiện trong đó đã khẳng định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới hình thức phòng xử án.

Đội ngũ chức danh tư pháp trong TAND được đổi mới, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chức danh Thẩm phán được phân thành 4 ngạch, gồm: Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Thẩm phán TAND tối cao do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Cùng với đó, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao. Uy tín và địa vị của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Tham gia nhiều định chế tư pháp quốc tế như Hội đồng Chánh án thế giới và khu vực, Tòa án trọng tài thường trực PCA…; đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định đa phương, song phương. Đồng thời, đã thực hiện việc bố trí, cơ cấu lãnh đạo TAND tham gia cấp ủy hoặc Ban Thường vụ tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền tư pháp nước ta vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân; còn lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới; niềm tin của người dân vào nền tư pháp chưa cao; chưa có cơ chế hữu hiệu để tăng cường khả năng tự quyết định, khả năng đoán định tư pháp của người dân…

Chánh án TAND tối cao khẳng định, để chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới bên cạnh việc phải tổng kết, đánh giá lại những kết quả cải cách tư pháp đã đạt được, các Tòa án còn phải nghiên cứu, đề xuất những định hướng lớn cho Đảng về chiến lược cải cách tư pháp mới của hệ thống Toà án nói riêng và nền tư pháp nói chung.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận về: “Định hướng của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030”. Hội thảo cũng nghe các ý kiến tham luận về các nội dung, gồm: Xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người dân; chế định Bồi thẩm đoàn tham gia xét xử vụ án hình sự - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam; đổi mới tổ chức TAND cấp sơ thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng cơ chế nhằm tăng cường khả năng tự quyết và khả năng đoán định tư pháp của người dân; xây dựng cơ chế giám sát liêm chính tư pháp - kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào Việt Nam...

 

P.V