Qua hoạt động kiểm sát, VKSND huyện Quỳ Hợp nhận thấy chỉ trong thời gian ngắn (tháng 12/2021 và tháng 1/2022), trên địa bàn phát hiện nhiều vụ tàng trữ, buôn bán hàng cấm là pháo nổ. Phía Công an đã bắt giữ 3 vụ, thu giữ hơn 50 kg pháo nổ; đã khởi tố 2 vụ/3 bị can. Đáng lo ngại là xảy ra tình trạng các đối tượng là học sinh phạm tội sản xuất, buôn bán pháo nổ.

Điển hình: Khoảng 21h ngày 22/12/2021, tại xóm Na Hầm, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, Công an huyện Quỳ Hợp phát hiện, bắt quả tang Đặng Quốc Đoàn (SN 2005, học sinh trường Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Quỳ Hợp); Trần Anh Tài (SN 2004, học sinh trường THPT Quỳ Hợp 1), cùng trú tại xóm Hương Châu, xã Châu Đình có hành vi buôn bán hàng cấm. Thu giữ 75 ống hình trụ tròn có khối lượng là 8,34 kg. Qua giám định kết luận toàn bộ ống hình trụ tròn trên là đều là pháo nổ. 

Qua đấu tranh các đối tượng trên khai nhận đặt mua thuốc pháo và học cách chế pháo nổ trên mạng để bán kiếm lời. Các học sinh sản xuất pháo nổ ngay tại nhà ở của mình, tuy nhiên các bậc phụ huynh không ai biết. Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm trong học sinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

leftcenterrightdel
 KSV VKSND huyện Quỳ Hợp kiểm sát việc bắt giữ, xử lý 2 học sinh chế tạo, buôn bán pháo nổ. Ảnh VKSNA.

Trước thực trạng này, VKSND huyện Quỳ Hợp nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo nổ trong học đường, đó là: Do các em còn đang là lứa tuổi học sinh, trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ bị bạn bè lôi kéo, thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình và nhà trường; công tác phổ biến giáo dục pháp luật về hàng cấm (pháo nổ) chưa được thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Điều này đã dẫn đến còn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật hàng năm.

Để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo nổ đối với học sinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Viện trưởng VKSND huyện Quỳ Hợp đã ban hành kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, từ Phòng giáo dục đến Trường học đối với công tác phòng, chống pháo nổ học đường; Kịp thời phát hiện, biểu dương, phổ biến kinh nghiệm tập thể, cá nhân điển hình trong công tác này; Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tác hại của việc chế tạo thuốc pháo nổ và sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo; Phối hợp tốt hơn giữa Nhà trường - Phụ huynh học sinh - Chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ các em học sinh về tình hình học tập, thời gian, địa điểm học; Chỉ đạo lực lượng Công an huyện triển khai quyết liệt công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ. Bên cạnh đó, phối hợp với Đội Quản lý thị trường cấp huyện rà soát phòng ngừa ngăn chặn các hành vi mua bán pháo nổ trên thị trường. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống vi phạm về pháo nổ nói riêng tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn huyện.

 

P.V