Kết luận và yêu cầu 1.129 đơn vị sửa chữa 2.227 vi phạm các loại

Thực hiện Quyết định số 234 của Hội đồng Chính phủ về thanh toán nợ khê đọng trong khu vực kinh tế tập thể, Viện kiểm sát các cấp tiến hành kiểm sát việc thực hiện hợp đồng sản xuất ở một số xí nghiệp cơ khí, nông nghiệp. Trong cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh, Viện kiểm sát các cấp tập trung kiểm sát việc chấp hành thể lệ thuế siêu ngạch, tham gia xử lý tư sản gian thương chống cải tạo.

Năm 1978, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kiểm sát trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, phục vụ việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động. Chỉ thị số 02 ngày 31/3/1978 của Viện trưởng VKSND tối cao về kế hoạch công tác kiểm sát năm 1978 nêu rõ: Công tác kiểm sát phục vụ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1978, đặc biệt bám sát phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu... trên tất cả các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối; phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đặc biệt chú trọng ở các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm cải tạo công thương nghiệp tư doanh, xoá bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, cải tạo tiểu thủ công thương nghiệp và thủ công nghiệp, mở rộng hợp tác hoá nông nghiệp.

Trong chín tháng đầu năm 1978, Viện kiểm sát ở 25 tỉnh, thành phố và 282 huyện kiểm sát 1.706 đơn vị (kiểm sát tại chỗ 979 đơn vị và yêu cầu 727 đơn vị tự kiểm tra), trong đó, có các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp, ngành lâm nghiệp, ngành ngư nghiệp, ngành thuỷ lợi, ngành lương thực, ngành thương nghiệp, ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng; tiến hành kiểm sát 946 văn bản của các ngành. 

Viện kiểm sát kết luận và yêu cầu 1.129 đơn vị sửa chữa 2.227 vi phạm các loại; yêu cầu sửa chữa 284 văn bản có vi phạm pháp luật, cùng các cơ quan có trách nhiệm xử lý 2.923 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa với tổng số 2.709 người phạm pháp; khởi tố 48 vụ và yêu cầu CQĐT khởi tố 75 vụ. Viện kiểm sát chú trọng công tác kiểm sát ở phía Nam, đặc biệt về cải tạo công thương nghiệp tư doanh, xoá bỏ công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, mở rộng Hợp tác xã nông nghiệp. 

Qua kiểm sát 55 cửa hàng quốc doanh và Hợp tác xã mua bán, phát hiện 342 người có vi phạm pháp luật, xử lý 220 người, trong đó truy tố một số vụ phạm pháp nghiêm trọng như: Lấy cắp hàng hoá tuồn ra cho bọn đầu cơ, bớt xén hàng hoá, cân đong gian dối, bán quá giá quy định gây thiệt hại cho người tiêu dùng; ở miền Bắc, chú trọng kiểm sát việc hợp nhất các Hợp tác xã nhỏ thành lớn, quản lý việc ăn chia, phân phối tiền thóc, vật tư nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (Hà Nội, ngày 2/6/1976). (Ảnh tư liệu - dangcongsan.vn)

Để phục vụ việc thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 159 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Kiểm sát hướng dẫn 200 cơ quan, xí nghiệp trong việc phân loại để xử lý gần 6.000 vụ việc, phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham ô, lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm làm thiệt hại của công. Viện kiểm sát khởi tố để điều tra 261 vụ, trong đó truy tố 175 vụ.

Xử lý rõ ràng, không kể là người sai phạm ở cấp nào

Công tác kiểm sát chung trong những năm 1976-1978, ngoài việc thực hiện kế hoạch kiểm sát các ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong phạm vi toàn quốc, còn phục vụ các chính sách lớn như: Cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền, cân đối tiền - hàng làm giảm bội chi về ngân sách và tiền mặt... Nhiều tỉnh làm theo kế hoạch từ cơ sở lên đến các cơ quan hữu quan cấp tỉnh, kiểm sát việc tuân theo pháp luật một cách có trọng tâm, trọng điểm đã tác động đến việc chỉ đạo và quản lý toàn diện của ngành đó và các ngành khác ở địa phương. Nhiều nơi không những giúp đỡ ngành hữu quan sửa chữa vi phạm mà còn giúp xây dựng nội quy, quy chế chấn chỉnh công tác quản lý. 

Những đơn vị tiến hành một số công tác kiểm sát chung có kết quả đến từng mặt chỉ đạo quản lý của tỉnh như: Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, An Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hải Hưng. Các viện kiểm sát tỉnh Hà Tuyên, Lai Châu, Sơn La đã đẩy mạnh kiểm sát chung, có tác dụng phòng ngừa vi phạm pháp luật nhất là về lâm nghiệp. 

Đáng chú ý, Viện Kiểm sát tỉnh Thuận Hải đã phối kết hợp các khâu kiểm sát khác với các ngành và các cấp nên liên tiếp hai năm liền đạt kết quả tốt phục vụ cho ngư nghiệp và lâm nghiệp. Tỉnh Thuận Hải còn biết kết hợp nhiều hình thức xử lý phù hợp giúp cho cơ sở chấn chỉnh được các mặt công tác quản lý xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ và đảng viên trong ngành, được cấp uỷ đồng tình và ủng hộ.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm được phát hiện nhiều nhưng còn tản mạn và phần lớn là ở cấp dưới, lại chưa nêu rõ được trách nhiệm quản lý của cấp trên; đó thường là nguyên nhân, điều kiện phát sinh những vi phạm của cấp dưới; cũng chưa làm rõ được trách nhiệm trong quản lý của từng ngành, từng cấp trong lĩnh vực quản lý. 

Mặt khác, chưa chú ý những vi phạm đối với những văn bản pháp luật mới được ban hành, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ và tình hình mới, chưa theo kịp các chính sách của Đảng và Nhà nước, về cải tiến tổ chức quản lý, tăng cường hiệu lực của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Kiểm sát chung tuy phát hiện được nhiều vi phạm trong quản lý nông, lâm, ngư nghiệp nhưng chưa tập hợp tài liệu phân tích nguyên nhân quy rõ trách nhiệm để tác động toàn diện; chưa giải quyết rõ mối quan hệ giữa trọng tâm, trọng điểm với toàn diện và chưa nhạy cảm với những vấn đề mới phát sinh.

Công tác thông tin trong Ngành thực hiện chưa tốt, việc nắm tình hình rút kinh nghiệm nắm pháp luật, thông báo xuống cấp dưới chưa chặt chẽ, kịp thời. Tình hình vi phạm phát hiện được ở các nơi và các kiến nghị kiểm sát chung chưa được báo cáo kịp thời và đầy đủ lên trên. Do đó, chưa kịp thời đề xuất với cấp uỷ, HĐND, UBND cũng như đối với các bộ, các ngành và Chính phủ. 

Phương hướng của kế hoạch đề ra tương đối toàn diện nhưng khi thực hiện chưa đi vào toàn diện. Trong việc thực hiện kế hoạch, ngành Kiểm sát mới tập trung vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, lương thực, thực phẩm và xây dựng, nhưng chưa đi vào lĩnh vực công nghiệp, hầu như mới chỉ đi vào mặt quản lý thủ công nghiệp.

Ngày 5/2/1979, Ban Bí thư ban hành Thông tri số 71-TT/TW về nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị trong năm 1979 và năm 1980, trong đó tình hình tệ lấy cắp của công, hối lộ, làm ăn phi pháp, ức hiếp quần chúng còn xảy ra nhiều và có vụ rất nghiêm trọng. Trước hết cần tập trung vào những ngành trọng điểm: Giao thông vận tải, vật tư, nội thương, ngoại thương, xây dựng, lâm nghiệp, hải sản, ngân hàng. Phải có thái độ kiên quyết đối với việc xử lý sai phạm. Các vụ sai phạm nghiêm trọng thì phải xử lý rõ ràng, không kể là người sai phạm ở cấp nào; khen thưởng người có công; kiên quyết bảo vệ người phát hiện vi phạm, tội phạm.

Thực hiện Thông tri số 71-TT/TW, một số Viện kiểm sát cùng các cơ quan Thanh tra, Công an, Toà án giúp cấp uỷ và UBND mở hội nghị bàn về việc tiếp tục thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW, nắm lại các vụ phạm pháp lớn ở một số ngành, tổ chức xử lý một số vụ điển hình; tổ chức họp với nhiều ngành trong tỉnh, huyện để thông báo, thúc đẩy sự tự kiểm tra; một số Viện kiểm sát đã cùng Công an, Thanh tra, Toà án định kỳ nghe một số ngành kinh tế phản ánh tình hình, giúp các ngành phân loại giải quyết các vụ việc xảy ra. 

VKSND tối cao đã cùng các ngành Thanh tra, Nội vụ, Toà án thống nhất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh việc xử lý ở một số ngành trọng điểm như: Giao thông, lương thực, nội thương, yêu cầu các Bộ Nội thương, Bộ Giao thông, Bộ Hải sản và Tổng cục Hoá chất sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW, tổ chức khắc phục vi phạm về quản lý. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL