Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung Chỉ thị số 02/CT ngày 20/10/1982 của Viện trưởng VKSND tối cao về thi hành Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; kết quả công tác kiểm sát chung của VKSND trong các năm 1983, 1984.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách về kinh tế - xã hội 

Nhằm góp phần thiết lập trật tự mới xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối, lưu thông, củng cố trận địa kinh tế xã hội chủ nghĩa, ngày 20/10/1982, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02/CT về thi hành Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trong đó xác định: Việc trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách về kinh tế - xã hội lúc đó. 

Yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm sát là phải kịp thời hướng dẫn việc phát hiện, xử lý cả về hành chính, dân sự và hình sự các vi phạm pháp luật và tội phạm; kiên quyết ngăn chặn tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và mọi hoạt động gây rối thị trường; tuyên truyền, giáo dục quần chúng và phổ biến Pháp lệnh cho các cơ quan, tổ chức. Chỉ thị hướng dẫn các Viện kiểm sát đường lối xử lý các vấn đề liên quan tới Pháp lệnh nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như: Danh mục hàng cấm, hành vi vi phạm nhỏ chỉ xử lý hành chính, hành vi kinh doanh trái phép.

Thực hiện Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở các ngành nội thương, ngoại thương, vật tư nông nghiệp, lương thực, hải sản. Kiểm sát việc quản lý hàng hoá, vật tư, tiền mặt, chống tình trạng giữ hàng để đối lưu, trao đổi trái phép, không giao nộp sản phẩm cho Nhà nước, cho vay vốn kinh doanh trái phép, tham ô, ăn cắp, tuồn hàng ra thị trường tự do. Chống tình trạng buôn bán của cơ quan hành chính sự nghiệp kinh doanh ngang tắt, trái chức năng và kinh doanh "phụ" của các đơn vị thương nghiệp, chống đặc quyền thể hiện ở phân phối nội bộ, khen thưởng trái phép; chống những vi phạm về giá, về giao nộp tiền, sản phẩm...

Thông qua công tác kiểm sát chung, Viện kiểm sát các cấp phát hiện và kiến nghị đình chỉ việc kinh doanh của các cơ quan hành chính sự nghiệp; kiến nghị UBND tỉnh xem lại và huỷ bỏ những quy định sai trái và chỉ đạo chấm dứt việc làm vi phạm ở các đơn vị trong toàn tỉnh. Kiến nghị đình chỉ việc kinh doanh ngang tắt trái chức năng và thẩm quyền, chạy theo cơ chế thị trường, kinh doanh phụ bằng bớt xén tiền, hàng, sản phẩm của Nhà nước từ trong các kế hoạch phân phối, đối lưu. Kiến nghị đình chỉ việc dùng tiền mặt trái quy định lập quỹ trái phép, trích thưởng không đúng và tình hình phân phối nội bộ...

Ở nhiều nơi, sau khi kiểm sát, các VKSND tổ chức hội nghị bàn biện pháp đấu tranh ngăn chặn; nhiều nơi còn kiến nghị UBND và đề xuất cấp uỷ mở các hội nghị để phát huy kết quả kiểm sát từ điểm nhân ra diện rộng nhằm phòng ngừa chung.

Về công nghiệp, thủ công nghiệp, Viện kiểm sát các cấp chú ý khâu quản lý, sử dụng vật tư, tiền vốn, chống việc lợi dụng danh nghĩa tổ chức sản xuất để chiếm dụng vốn, rút nguyên liệu, vật tư của Nhà nước để trao đổi mua bán trục lợi, không đưa vào sản xuất, kinh doanh theo đúng hợp đồng. Quản lý, sử dụng phương tiện và vận chuyển hàng hoá phải theo đúng kế hoạch Nhà nước, nhất là những mặt hàng lương thực, xăng dầu, than, vật tư nông nghiệp...

leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc VKSND, năm 1989. (Ảnh tư liệu)

Về nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, đi vào kiểm sát việc thực hiện kế hoạch cung ứng, thu mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều nhằm đẩy mạnh sản xuất và tập trung hàng hoá nông sản, thực phẩm vào các cơ quan, quản lý Nhà nước, thực hiện tốt Chỉ thị số 100-CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Riêng các tỉnh miền Nam, chú ý việc thực hiện chính sách điều chỉnh ruộng đất ở địa phương.

Kiểm sát được hàng nghìn đơn vị kinh tế

Với việc sử dụng các phương thức công tác kiểm sát chung được ghi trong Luật Tổ chức VKSND năm 1981, năm 1982, toàn Ngành đã kiểm sát được hàng nghìn đơn vị kinh tế, bao gồm: Xí nghiệp, công ty, công nông, lâm trường, Hợp tác xã... thuộc các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, nội, ngoại thương, vật tư, lương thực, giao thông vận tải, trong đó 90% số đơn vị đã kết thúc cuộc kiểm tra, đã kiểm sát được 2.684 văn bản, phát hiện và kết luận được 7.599 vi phạm, xử lý 6.861 cán bộ, trong đó 5.431 cán bộ đã được xử lý bằng biện pháp hành chính và thu hồi được hàng chục triệu đồng và nhiều tài sản, vật tư, hàng hoá khác cho Nhà nước.

Nhiều Viện kiểm sát đã có cách làm mới bước đầu đạt kết quả tốt như: VKSND TP Hồ Chí Minh, VKSND tỉnh Hà Nam Ninh áp dụng phổ biến việc yêu cầu thông báo và xử lý vi phạm, yêu cầu các đơn vị quản lý cấp trên kiểm tra làm rõ vi phạm và thông báo kết quả xử lý cho Viện kiểm sát. 

Kiểm sát chung ở các cấp đã vận dụng đồng bộ các phương thức kiểm sát để nắm bắt vi phạm từ nhiều nguồn. Sự gắn bó giữa tỉnh và huyện, giữa Trung ương và địa phương, giữa thanh tra và kiểm sát chung được tăng cường, mang lại kết quả tốt. Viện kiểm sát các địa phương ban hành nhiều kiến nghị với UBND huyện, UBND tỉnh để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục vi phạm. VKSND tối cao trên cơ sở tổng hợp vi phạm các địa phương phát hiện báo cáo Ban Bí thư, kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng về công tác quản lý thực phẩm.

Năm 1983, trên các lĩnh vực, đã kiểm sát cả cấp tỉnh và huyện (33 tỉnh, 385 huyện), kiểm sát ở 3.746 đơn vị, phát hiện ở 502 đơn vị có tội phạm xảy ra đã được khởi tố hình sự, khởi tố dân sự 186 vụ việc. Trong 3.746 đơn vị, riêng VKSND cấp tỉnh kiến nghị 189 văn bản, gồm 60 bản kiến nghị với UBND cùng cấp; 86 bản kiến nghị với cơ quan chuyên môn cùng cấp; 40 bản kiến nghị với các đơn vị cấp dưới.

Kiểm sát 2.392 văn bản pháp quy (tỉnh 513, huyện 1.879), phát hiện và kiến nghị sửa 658 văn bản có vi phạm (tỉnh 111, huyện 547). Văn bản vi phạm chủ yếu là đề ra các biện pháp, hình thức, mức độ xử lý không đúng pháp luật; đề ra các chủ trương về kinh doanh trái chức năng, trái thẩm quyền, chủ trương về khen thưởng, phân phối nội bộ, bớt xén sản phẩm. 

VKSND tối cao kháng nghị với Bộ Nội thương đình chỉ thực hiện đối với hai văn bản chỉ đạo khen thưởng trái pháp luật; kiến nghị với Bộ Nội thương và Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu để chấm dứt hoạt động công tư hợp danh xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh và buôn bán qua biên giới Việt Nam - Campuchia; kiến nghị với Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp thực phẩm đình chỉ chủ trương cho các xí nghiệp giữ lại một số sản phẩm bán ra ngoài thu tiền mặt và phân phối nội bộ cơ quan. Kiến nghị với Bộ Lâm nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Bảo vệ rừng, ngăn ngừa các dạng vi phạm phổ biến...

Các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát các địa phương và VKSND tối cao đều được UBND, các cơ quan, bộ, ngành chủ quản tiếp thu, sửa chữa, góp phần tích cực vào việc lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý thực phẩm, giao thông, vận tải.

Năm 1984, ngành Kiểm sát tiến hành kiểm sát 3.813 đơn vị kinh tế thuộc ngành nội thương, ngoại thương, lương thực, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp. Cả ba cấp kiểm sát cùng đi vào kiểm sát 1.127 đơn vị và 385 văn bản pháp quy thuộc ngành nội thương ở các khâu quản lý, phân phối hàng hoá, tài chính, tiền tệ... Qua phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát yêu cầu các đơn vị chủ quản xử lý hành chính 1.479 người có vi phạm, khởi tố hình sự 373 bị can.

Qua kiểm sát chung, Viện kiểm sát các địa phương kết luận 8.628 việc làm vi phạm pháp luật, qua đó đã ra 2.476 bản kiến nghị. Kết quả các ngành đã tiếp thu sửa chữa 6.398 vi phạm (74%). Viện kiểm sát các cấp đã kiến nghị thu hồi nhiều tiền và tài sản xã hội chủ nghĩa bị chiếm đoạt (138 triệu đồng, 17.000 tấn lương thực, hàng vạn tấn vật tư khác và 8.000 ha ruộng). 

Trên cơ sở tổng hợp vi phạm, ngày 14/9/1984, Viện trưởng VKSND tối cao có bản kiến nghị số 3490/VT với Bộ Ngoại thương đề nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động xuất, nhập khẩu ở các địa phương, trong đó nêu rõ, giải thể những tổ chức xuất nhập khẩu được thành lập trái với chính sách, pháp luật; khắc phục việc thu nộp ngoại tệ, buôn lậu ngoại tệ.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL