Từ bài này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung: VKSND tích cực hoạt động phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 

Bài viết dưới đây đề cập đến những kết quả đạt được trong công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát các năm 1976, 1977.

Tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành thực phẩm thuộc Bộ Nội thương

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 1960 và năm 1981, từ năm 1976 đến năm 1986, hoạt động của VKSND các cấp tập trung vào ba mặt: Bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi hành vi xâm phạm quyền làm chủ tập thể của Nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân; trấn áp kịp thời các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. 

Các khâu công tác kiểm sát được tiến hành nhằm phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra như: Phục vụ việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, thu mua sản phẩm, cải tiến phân phối, lưu thông, bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn; tăng cường chế độ trách nhiệm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trấn áp mạnh mẽ, kiên quyết bọn phản động, trừng trị nghiêm khắc tội phạm kinh tế và các tội phạm khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Trong thời kỳ này, hoạt động của Viện kiểm sát quân sự cũng được mở rộng hơn, tập trung vào việc bảo vệ khí tài, thiết bị kỹ thuật quân sự, cơ sở quốc phòng, bảo đảm dân chủ, kỷ luật và sức chiến đấu của quân đội.

Cùng với đó, năm 1976, công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát các cấp đặt trọng tâm hoạt động kiểm sát vào các lĩnh vực cung cấp sản phẩm thiết yếu cho đời sống người dân. Chỉ thị số 01/1976 ngày 24/12/1976 của Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ: Viện kiểm sát phải tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành thực phẩm thuộc Bộ Nội thương, đặc biệt vào các khâu thu mua, gia công, chăn nuôi lợn, phân phối, quản lý tem phiếu thịt lợn và xử lý của ngành thực phẩm nhằm trực tiếp phục vụ các nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Công tác kiểm sát chung đi vào những lĩnh vực có nhiều vi phạm, nhưng chủ yếu tập trung vào công tác quản lý Nhà nước trong ngành nội thương và xử lý một số ngành (thủy lợi, lâm nghiệp, hải sản) sai phạm trong quản lý cung ứng và dụng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, trong từng năm, kết quả đạt được có khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm ở từng vùng, miền và chỉ đạo của Ngành. 

Kiểm sát được 858 văn bản trong chín tháng đầu năm 1976

Đối với công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị nêu rõ: Phải xúc tiến nhiều hơn nữa việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong các thông tư, chỉ thị, nghị quyết có tính chất pháp quy của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các cơ quan Nhà nước địa phương, nhất là ở cơ sở, từ những vi phạm cụ thể ở cấp cơ sở để phát hiện những lệch lạc của cấp trên và những biểu hiện cục bộ địa phương của cấp dưới, đề xuất sửa chữa kịp thời; chú ý cùng các ngành chủ quản và các UBND các cấp bảo đảm nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo địa phương, phát huy trách nhiệm của các ngành, các UBND trong việc ban hành các văn bản pháp quy, trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm ở các ngành, các địa phương.

Vai trò của công tác kiểm sát chung đối với việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật được đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư của Đảng chỉ rõ: Kiểm tra việc tuân theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tổ chức tại Hà Nội từ 14-20/12/1976. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong chín tháng đầu năm 1976, các Viện kiểm sát cấp huyện ở phía Bắc đã kiểm sát được 858 văn bản và kiểm sát 398 đơn vị, cửa hàng trạm trại, lò mổ của ngành nội thương và 857 đơn vị, Hợp tác xã và cơ quan. Có 18/18 Viện kiểm sát cấp tỉnh phía Bắc hoàn thành kế hoạch kiểm sát thực phẩm. 

Từ thực tiễn kiểm sát tại cơ sở, nhiều Viện kiểm sát địa phương phát hiện những sơ hở, thiếu sót của cơ quan quản lý cấp trên và những quan điểm lệch lạc trong chỉ đạo như: Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bản vị, cục bộ địa phương để báo cáo VKSND tối cao và kiến nghị với cơ quan chủ quản và UBND cùng cấp sửa chữa. VKSND tối cao kiểm sát văn bản ở tám bộ và tổng cục, kiến nghị với Bộ Nội thương sửa chữa vi phạm trong việc quản lý thực phẩm kịp thời.

Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, để đáp ứng yêu cầu chính trị địa phương, công tác kiểm sát chung chủ trương tập trung vào lĩnh vực cung ứng, phân phối vật tư nông nghiệp cho vùng nông thôn, đảm bảo quyền dân chủ, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở thành phố. Tuy mới được triển khai ở một số tỉnh nhưng qua thực tiễn, công tác kiểm sát chung chỉ ra được những sơ hở trong công tác quản lý tài sản, giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ở cơ quan kinh tế và tư nhân.

Bước sang năm 1977, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục kiểm sát trong lĩnh vực thực phẩm và đã cùng với các ngành hữu quan đi vào xem xét việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực thiết yếu như: Nông, lâm, ngư nghiệp, lương thực, giao thông vận tải... 

Trong nông nghiệp, đã xem xét 872 đơn vị, yêu cầu 595 đơn vị tự kiểm tra, chú ý các khâu cung ứng, bảo quản, sử dụng vật tư, tiền vốn... Có 28 VKSND tỉnh, thành phố (18 ở phía Bắc, 10 ở phía Nam) kiểm sát việc quản lý và phân phối, sử dụng vật tư nông nghiệp, phát hiện những vi phạm của UBND, Ủy ban nông nghiệp cấp huyện trong việc chỉ đạo các trạm vật tư và các Hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, các Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng đi vào kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực khác như: Lâm nghiệp, ngư nghiệp, vận chuyển hàng hoá, lương thực, thực phẩm, giao thông vận tải, ngân hàng. Trong lâm nghiệp, đã kiểm sát 30 đơn vị, yêu cầu 30 đơn vị khác tự kiểm tra. Chú ý các khâu sử dụng vốn, hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước với Hợp tác xã, tư nhân, chủ thầu, cấp giấy phép khai thác gỗ... 

Trong lĩnh vực quản lý hải sản, kiểm sát 19 đơn vị, chú ý các khâu cung ứng nguyên nhiên liệu, giao nộp sản phẩm... Trong lĩnh vực lưu thông, phân phối thực phẩm, kiểm sát 389 đơn vị, chú ý các khâu thu mua, cung cấp, phân phối, xử lý vi phạm đã phát hiện. Ngoài ra còn làm việc với 857 đơn vị cơ sở khác như: Hợp tác xã, công trường, nông trường, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, về các khâu quản lý nói trên và ngành thực phẩm. 

Trong lĩnh vực lương thực, vận tải, kiểm sát các khâu bảo quản, vận chuyển, giao nhận, phân phối, sử dụng lương thực ở một số kho tàng, tuyến vận chuyển, cơ quan, xí nghiệp... Trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm sát việc thực hiện quyết định của Chính phủ về việc giải quyết nợ đọng trong khu vực tập thể ở một số Hợp tác xã nông nghiệp và huyện...

VKSND các cấp phát hiện 175 văn bản vi phạm (47 văn bản ở cấp tỉnh và 128 văn bản ở cấp huyện). Lần đầu tiên ba cấp kiểm sát kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát ở cùng một ngành, ở cơ quan cùng cấp nên đã có hiệu quả hơn trong việc phát hiện vi phạm ở các ngành vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, hải sản, ngân hàng. Viện kiểm sát ở 36 tỉnh, thành phố khởi tố 5.047 vụ án kinh tế, trong đó khởi tố và xử lý 499 vụ án xâm phạm tài sản trong lĩnh vực nông nghiệp, 189 vụ án về lương thực, 51 vụ án về lâm nghiệp, 25 vụ án về ngư nghiệp. Các VKSND TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên đưa ra truy tố một số tư sản gian thương, đầu cơ lũng đoạn thị trường về các nhu yếu phẩm.

Qua kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực trên, Viện kiểm sát các cấp gửi 830 kiến nghị đến các cơ quan và chính quyền địa phương hữu quan yêu cầu xử lý các vi phạm chính sách, pháp luật, đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý, khôi phục hiệu lực của các luật lệ, chế độ, quy định của Nhà nước. 

Những hoạt động của Viện kiểm sát đem lại nhiều kết quả thiết thực, các cấp uỷ đảng và UBND đã chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan phối hợp hành động và tìm biện pháp tăng cường pháp chế trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở địa phương.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL