Kiểm sát việc chính quyền xã, huyện tổ chức tiếp nhân dân

Để phục vụ cho chủ trương tăng cường xây dựng cấp huyện, tháng 3/1979, hội nghị ngành Kiểm sát tập huấn ở hai miền Nam, Bắc về Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 21/1/1978 của Bộ Chính trị về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện và Nghị quyết số 33-CP tháng 2/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế. 

Hội nghị chỉ ra các mặt công tác cần chú trọng là: Công tác kiểm sát phục vụ việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; công tác kiểm sát phục vụ việc thực hiện kế hoạch nhà nước; công tác kiểm sát phục vụ việc tăng cường quốc phòng, củng cố vùng biên giới, vùng có chiến sự; công tác kiểm sát phục vụ việc tăng cường an ninh chính trị và trật tự xã hội; công tác kiểm sát phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; yêu cầu Viện kiểm sát huyện tăng cường công tác kiểm sát việc thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 159 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cải tiến nghiệp vụ kiểm sát và kiện toàn tổ chức VKSND cấp huyện.

Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm sát việc thực hiện các luật lệ, quy chế và biện pháp phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cả hai mặt quyền lợi và nghĩa vụ ở các đơn vị chính quyền cơ sở và cấp huyện, cơ quan xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và hợp tác xã.

Ở những địa phương có hợp nhất huyện, Viện kiểm sát chú trọng kiểm sát một số ngành tập trung nhiều vật tư, tiền vốn hoặc kiểm sát việc bàn giao một số cơ sở của tỉnh về cho huyện (trạm, trại, xí nghiệp), giúp xây dựng nội quy, chế độ quản lý các cơ sở đó. Một số Viện kiểm sát còn tiến hành kiểm sát việc chính quyền xã, huyện tổ chức tiếp nhân dân.

Để góp phần tăng cường pháp chế ở cơ sở, một số nơi, Viện kiểm sát phối hợp cùng với các ngành hữu quan xây dựng thành công “đơn vị tiên tiến về tuân theo pháp luật", được cấp uỷ đảng và chính quyền huyện, tỉnh, thành cho rút kinh nghiệm để nhân ra các địa phương. Một số Viện kiểm sát cũng đã cùng UBND, Toà án, Công an giúp một số xã, tiểu khu, đồn công an phân loại, xử lý đúng pháp luật, chính sách những vụ, việc xảy ra ở cơ sở.

Việc mở rộng xây dựng điển hình tiên tiến tuân theo pháp luật được tăng cường. Năm 1979, một số Viện kiểm sát giúp chính quyền cơ sở củng cố 106 đơn vị tiên tiến tuân theo pháp luật của những năm trước, xây dựng thêm 91 điểm tiên tiến mới. Từ kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã tiên tiến về tuân theo pháp luật đã mở rộng xây dựng ở một số cửa hàng lương thực, cửa hàng thương nghiệp, công trình thuỷ lợi, hạt lâm nghiệp tiên tiến theo pháp luật... 

Một số Viện kiểm sát giúp đỡ cơ sở chấn chỉnh cả các mặt quản lý kinh tế, quản lý trị an, củng cố tổ chức, tăng cường kỷ luật, trách nhiệm, chấp hành điều lệ và pháp luật, khắc phục các mặt tiêu cực, điển hình là VKSND TP Hải Phòng, VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Mở rộng phạm vi hoạt động của công tác kiểm sát chung

Từ năm 1980 đến năm 1981, phạm vi hoạt động của công tác kiểm sát chung mở rộng sang các ngành giao thông vận tải, thương nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, y tế, giáo dục, quốc phòng và phục vụ bầu cử. 

Qua công tác kiểm sát chung, Viện kiểm sát các cấp kiến nghị xử lý rất nhiều vi phạm pháp luật, kháng nghị thu hồi nhiều tài sản cho nhà nước, tập thể; yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động; khởi tố để đưa ra xét xử nhiều vụ xâm hại, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, vật tư, thương nghiệp với các tội tham ô, hối lộ, đầu cơ, vi phạm chế độ tem phiếu. Nhiều Viện kiểm sát chọn đúng ngành, đúng vấn đề để đi vào kiểm sát; phát hiện đến đâu, xác minh đến đó, chú trọng xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý để kết luận và kiến nghị việc sửa chữa.

Từ công tác kiểm sát chung, một số Viện kiểm sát phát hiện ra nhiều vụ án hình sự, dân sự và qua công tác làm án mà thúc đẩy công tác kiểm sát chung kết thúc nhanh hơn, nâng cao chất lượng hơn như VKSND TP Hải Phòng, VKSND các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Thuận Hải, Đắk Lắk, An Giang... 

Có nhiều Viện kiểm sát đã hỗ trợ ngành chủ quản thu hồi tiền bạc, tài sản bị thất thoát; trả về cho quân đội hàng trăm quân nhân đào ngũ và đưa hàng nghìn người trốn nghĩa vụ trở lại khám tuyển để tòng quân. Các mặt công tác kiểm sát khác được xác định mục tiêu trọng tâm là vận dụng đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc xoá bỏ giai cấp Tư sản mại bản phản động, tham gia giải quyết các tệ nạn xã hội cũ để lại nhằm giữ vững trật tự trị an, nhất là các thành phố lớn, các vùng biên giới, nơi có chiến sự, các loại án nghiêm trọng như cướp, cướp giật, giết người, trộm cắp, hiếp dâm, đầu cơ vé tàu, vé xe tăng mạnh; củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân. Nhiều Viện kiểm sát tích cực phát hiện và xử lý các vụ vi phạm quyền dân chủ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân.

Những năm 1980 - 1981, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong quản lý tình hình kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, Viện kiểm sát xác định đây là một trong những trọng điểm của công tác kiểm sát chung. 

Ngày 9/2/1981, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 01/CT-VKSTC về công tác kiểm sát phục vụ cải tiến phân phối, lưu thông, trong đó nhận định: "Tình hình phân phối, lưu thông mất cân đối nghiêm trọng và mang nhiều nhân tố tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới sản xuất và đời sống”, "Khuyết điểm và khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, lưu thông hiện nay là Nhà nước không nắm và không làm chủ nguồn hàng, đặc biệt là những hàng chiến lược như lương thực; không nắm được tiền, không làm chủ được lưu thông tiền tệ và điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; không làm tốt việc phân phối vật tư, hàng hoá, không quản lý được thị trường xã hội".

Tuy nhiên, công tác kiểm sát chung ở một số Viện kiểm sát còn phân tán, dàn đều, thường chỉ dừng lại ở việc phát hiện và giải quyết từng vi phạm theo kiểu thanh tra hành chính, chạy theo chỉ tiêu số lượng mà chưa rút ra kết luận tổng hợp vi phạm và nguyên nhân dẫn đến vi phạm để kiến nghị sửa chữa, xem xét trách nhiệm của các ngành tổng hợp và của các cơ quan cấp trên. 

Một số nơi, khi tiến hành kiểm sát nặng về truy tìm tội phạm, đã quy kết không đúng, coi nhẹ việc nghiên cứu để phát hiện chủ trương sai trái và trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo trong quản lý kinh tế. Khi đưa nội dung pháp chế vào cơ sở (ở những nơi xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật), một số Viện kiểm sát thường nhấn một chiều về phần nghĩa vụ, hoặc thiên về mặt răn đe trừng trị, mà ít đề cập đến trách nhiệm của các ngành, các cấp, đối với việc chăm lo quyền lợi và đời sống cho quần chúng; do đó mà chưa phát huy được tinh thần làm chủ của quần chúng trong việc chấp hành và giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan ở địa phương. Viện kiểm sát các cấp còn tách rời việc kiểm sát văn bản với kiểm sát hành vi, thấy vấn đề rồi mới tìm văn bản để xem xét.

Nhiều viện kiểm sát, nhất là ở phía Nam và miền núi còn lúng túng về nội dung và phạm vi của công tác kiểm sát chung nên phục vụ việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện, giúp đỡ các HĐND, UBND huyện, xã và các cơ quan chuyên môn cấp huyện hoạt động theo pháp luật còn nhiều yếu kém.

Từ năm 1982 đến năm 1986, VKSND thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 1981. Hoạt động của VKSND các cấp đã luôn bám sát các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong từng thời gian làm phương hướng chính trị của công tác kiểm sát.

Trong thời kỳ này, một chủ trương lớn về công tác kiểm sát chung là tăng cường quan hệ với các ngành hữu quan trong việc kiểm tra, thanh tra và quản lý phân phối, lưu thông như: Thanh tra, tài chính, thuế vụ, vật tư, thanh tra thương nghiệp, quản lý thị trường, hải quan, kiểm lâm... để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ đầu cơ, buôn lậu lớn, phát huy điển hình tốt và uốn nắn các lệch lạc trong việc thực hiệc các chính sách phân phối, lưu thông.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL