Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về sự ra đời và những hoạt động đầu tiên của VKSND (từ tháng 7/1960 đến tháng 12/1960). 

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND. Luật chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt lớn chuyển từ viện công tố trở thành VKSND. So với viện công tố trước đây, Viện kiểm sát có sự thay đổi hoàn toàn về chất, thể hiện ở một số điểm như: VKSND là cơ quan do Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thành lập. VKSND các địa phương không phụ thuộc vào HĐND và UBND địa phương. Viện kiểm sát là một hệ thống thống nhất dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND tối cao. Viện trưởng VKSND tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. VKSND tối cao có quyền kháng nghị đối với những nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị hoặc biện pháp không hợp pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và của các cơ quan nhà nước địa phương.

Trong quan hệ với các cấp ủy địa phương, trong trường hợp ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương khác với ý kiến của cấp ủy thì cả hai bên đều báo cáo lên cấp trên của mình. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên báo cáo ý kiến của mình với cấp ủy cùng cấp. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp ủy cấp trên, viện trưởng Viện kiểm sát địa phương phải chấp hành ý kiến của cấp ủy địa phương.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Trung Quốc nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: tư liệu)

Ngay từ khi mới ra đời, ngành kiểm sát đã được Trung ương Đảng và một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/1960, Viện Công tố Trung ương tổ chức Hội nghị toàn ngành, kiểm điểm công tác sáu tháng đầu năm và học tập Luật Tổ chức VKSND.

Ngày 2/8/1960, Hội nghị đón đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến dự và có bài phát biểu quan trọng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Việc thành lập VKSND chính là để đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân, thực hiện dân chủ rộng rãi và phát triển nền dân chủ ấy... Trước mắt hiện nay là mở rộng dân chủ với nhân dân, tăng cường chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Muốn thế phải bảo đảm sự tôn trọng pháp chế dân chủ, thực chất là pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra nhiệm vụ có tính chất chiến lược trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.

Nghị quyết Đại hội nêu rõ những đặc điểm, vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ nhân dân tại miền Bắc. Ngành KSND xem đó là những định hướng quan trọng cho hoạt động của ngành khi bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Là cơ quan mới trong hệ thống tổ chức nhà nước, Viện kiểm sát bước đầu xây dựng những quy định về quan hệ giữa VKSND với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Đối với VKSND, kiểm sát chung là một công tác mới mẻ, rộng rãi và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. VKSND xây dựng Dự thảo quy định quan hệ giữa VKSND và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương trong nhiệm vụ kiểm sát chung và gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ để xin ý kiến, nhằm làm cho công việc kiểm sát chung thực hiện tốt và tránh được những vấn đề có thể gây trở ngại cho công việc chung.

Trong năm 1960, VKSND bước đầu xây dựng và kiện toàn tổ chức. Ngày 31/12/1960, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết định số 01/QĐ về việc thành lập VKSND các khu, thành, tỉnh, huyện, thị xã hoặc cấp hành chính tương đương kể từ ngày 1/1/1961. Ngay từ khi thành lập ngành, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được chú trọng. Cuối năm 1960, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao và Bộ Tư pháp mời chuyên gia Liên Xô mở lớp đào tạo pháp lý trong thời gian hai năm cho cán bộ trung, cao cấp của ba ngành. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của ngành kiểm sát Việt Nam được đào tạo một cách có hệ thống những vấn đề về khoa học pháp lý do chuyên gia nước ngoài giảng.

Đến cuối năm 1960, Viện Công tố Trung ương đã chuyển thành VKSND tối cao với tổng số 194 cán bộ, tăng 94 đồng chí so với năm 1959. Ở cấp tỉnh, việc chuẩn bị chuyển thành VKSND cũng được tiến hành tương đối tốt. Cuối năm 1960, số lượng cán bộ toàn ngành kiểm sát có 800 người, trong đó có 0,3% cán bộ có trình độ đại học.

Ngay từ khi mới ra đời, công tác kiểm sát được Trung ương Đảng hết sức chú ý. Ngày 12/12/1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri số 13-TT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm sát, đề ra một số biện pháp trước mắt là: “Các cấp uỷ, các ban, đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp... cần nghiên cứu, hiểu rõ tầm quan trọng, tác dụng, nội dung của công tác kiểm sát, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp và trách nhiệm của mình đối với cơ quan kiểm sát, đề ra những biện pháp thiết thực giúp kiện toàn tổ chức và tăng cường hoạt động của VKSND. Cần dùng những biện pháp thích hợp để làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng và nội dung công tác kiểm sát, ủng hộ cơ quan kiểm sát. Trong khi tuyên truyền, cần vạch rõ những ưu điểm, thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật để cho ai nấy càng thấy rõ: làm tốt công tác kiểm sát không những có lợi cho sự nghiệp cách mạng chung mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi người...”

Mặc dù mới thành lập được vài tháng, trong năm 1960, ngành KSND đã có một số hoạt động phục vụ quá trình thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần phá vỡ âm mưu của các thế lực phản động, phục vụ công tác thu mua lương thực của Nhà nước.

Từ khi có Luật Tổ chức VKSND, công tác bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được chú ý hơn thể hiện thông qua việc viết bài đăng báo, nói chuyện về quyền tự do, dân chủ, chấn chỉnh việc nhận đơn và tiếp công dân để nhân dân tố cáo những việc làm sai pháp luật, sai chính sách, xâm phạm lợi ích công cộng hoặc quyền lợi chính đáng của công dân. Số đơn nhân dân gửi đến ngành Kiểm sát ngày càng nhiều. Mặt khác, ngành Kiểm sát cũng đã đến một số địa phương xảy ra các việc vi phạm pháp luật để tiến hành điều tra và góp ý kiến cho địa phương giải quyết. Những việc làm trên đây đã tạo ảnh hưởng tốt trong nhân dân và đã giúp cấp uỷ địa phương chú ý tăng cường công tác lãnh đạo của mình.

Phục vụ công tác thu mua lương thực, ngày 15/9/1960, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 98/VP-VKS về việc phục vụ công tác lương thực. Tháng 11/1960, VKSND tối cao ra Thông tri số 1135/VP-VKS về phục vụ công tác lương thực. Các văn bản trên đã hướng dẫn VKSND các tỉnh, thành, khu tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác thu mua, thu thuế và thu nợ của Nhà nước; tăng cường công tác kiểm sát bảo đảm cho việc thu mua lương thực, bảo đảm cho việc quản lý thị trường; tích cực chống tham ô, lãng phí và thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo quản lương thực - một mặt trận nóng bỏng lúc bấy giờ.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

 

BVPL