Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật sẽ giới thiệu đến bạn đọc về sự ra đời và những hoạt động của VKSND (từ tháng 7/1960 đến tháng 12/1960). 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 mở ra một giai đoạn cách mạng mới ở nước ta. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ cách mạng khác nhau.

Tại miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm trắng trợn vi phạm Hiệp định, đàn áp dã man Phong trào yêu nước của nhân dân ta, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, dùng miền Nam làm căn cứ quân sự để phá hoại công cuộc xây dựng miền Bắc và tiến hành chiến tranh xâm lược, dựng lên chính quyền bù nhìn, tay sai ở miền Nam.

Tại miền Bắc, nhân dân ta tiến hành hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Một trong những yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội là bảo đảm pháp chế thống nhất. Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện pháp chế thống nhất để phục vụ công cuộc cách mạng của nước ta giành thắng lợi. Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng đúng đắn quan điểm của Lênin trong tác phẩm Bàn về song trùng trực thuộc và pháp chế để thành lập cơ quan VKSND - một trong những cơ quan mới của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao đứng hàng đầu bên trái. (Ảnh: tư liệu)

Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước là tập trung dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và căn cứ vào những quy định của Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam, VKSND được quy định là một cơ quan nhà nước độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tổ chức và hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND đã được Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II thông qua.

Điều 105, Hiến pháp năm 1959 quy định: “VKSND tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các VKSND địa phương và viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”. Hiến pháp còn quy định Viện trưởng VKSND tối cao do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Lần đầu tiên, chế định về cơ quan VKSND xuất hiện trong Hiến pháp của Việt Nam. VKSND là cơ quan trong cơ cấu tổ chức tư pháp nhà nước, thực hiện một chức năng mới của Nhà nước là chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và công dân theo quy định của pháp luật. Sự ra đời của VKSND là do bản chất nhà nước và nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta - quyền lực nhà nước là thống nhất, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ quy định. Đó cũng là điều cơ bản nhất trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh - Trưởng Ban Soạn thảo Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước ta.

Tháng 12/1959, Đảng đoàn Viện Công tố Trung ương có tờ trình gửi Ban Bí thư về Dự thảo Luật Tổ chức VKSND, sau đó Quốc hội giao cho Hội đồng Chính phủ chuẩn bị Luật Tổ chức VKSND. Bản dự thảo phân tích rõ: “Bảo đảm cho mọi pháp luật, chế độ, thể lệ của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất là điều kiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Vì nền kinh tế quốc dân của ta chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi chúng ta bảo đảm có được một sự hoạt động nhịp nhàng, cân đối giữa các ngành theo một kế hoạch thống nhất. Bất kỳ một vi phạm về pháp luật, chế độ hoặc thể lệ nào của Nhà nước đều ít nhiều có hại đến việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân của ta. Vì vậy, nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chẳng những đòi hỏi mọi người công dân mà còn đòi hỏi các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không để một việc làm trái pháp luật nào xảy ra”. “Có kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Nhà nước ta, nhân dân ta mới đấu tranh một cách có hiệu quả với mọi tàn dư của xã hội cũ hiện nay còn tồn tại và đang gây ra những tác hại đến công cuộc kiến thiết như: tham ô, lãng phí, quan liêu, vô trách nhiệm... và xu hướng địa phương, cục bộ, bản vị là một trở ngại lớn cho công cuộc xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa”. “Nhu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, đòi hỏi một sự nhất trí về mục đích và hành động trong nhân dân, giữa nhân dân và nhà nước, cũng như giữa các ngành hoạt động nhà nước với nhau, nếu không đạt được một sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì các lẽ trên, phải tổ chức ra viện kiểm sát để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm giữ vững pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho pháp chế được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất. Đó là nhiệm vụ cơ bản của VKSND”.

Căn cứ vào Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức VKSND gồm 6 chương, 25 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của VKSND.

leftcenterrightdel

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động cho các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo VKSND tối cao, ngày 11/8/2007. 

Cụ thể, VKSND tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. VKSND địa phương các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân”.

“VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi”.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Điều 3, Luật Tổ chức VKSND quy định: “VKSND tối cao và VKSND địa phương các cấp thi hành nhiệm vụ trên bằng cách: a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước và của công dân; b) Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước toà án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; c) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và của các cơ quan điều tra khác; d) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của toà án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam; g) Khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.

Về nguyên tắc hoạt động, “Khi làm nhiệm vụ của mình, VKSND phải theo nguyên tắc mọi người công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, nòi giống, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội và thành phần xã hội”, “VKSND địa phương các cấp làm nhiệm vụ của cấp mình một cách độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp” và “chỉ chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của VKSND tối cao”.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt giữ chức Viện trưởng VKSND tối cao.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL