leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Theo Người, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tự trọng là mình phải rất liêm chính. Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thế nào là danh dự? Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi. Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh.

leftcenterrightdel
Nhiều bị cáo trong vụ VNpharma cúi đầu nghe đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội.

Đáng tiếc thay, thời gian qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh, với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm", nhiều đại án đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kéo theo đó là hàng loạt lãnh đạo, quan chức cấp cao từ Trung ương tới địa phương bị đưa ra xét xử.

leftcenterrightdel
Bị cáo Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nói lời sau cùng.

Quả đúng là như vậy, bởi đứng trước cám dỗ về tiền tài, vật chất, nhiều đảng viên, quan chức đã "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, không thực hiện trách nhiệm nêu gương, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi. Hoặc có những quan chức đã "nhúng chàm", bao che, tiếp tay, can thiệp, chỉ đạo các hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, nhưng khi đứng trước Hội đồng xét xử, họ đã trở về với con người thật của mình. Các cựu quan chức phạm tội không chỉ nhận sự tuyên phạt nghiêm khắc của Tòa án nhân dân mà cái họ đối diện với sự dằn vặt của Tòa án lương tâm.

Tại Tòa, khi nói lời sau cùng, các bị cáo: Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam); Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương); Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương); cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh... đều trải lòng, ân hận, hối tiếc vì sa ngã, "nhúng chàm". Họ hồi ức, kể về quá trình công tác, về nhiệt huyết tuổi trẻ cống hiến cho lý tưởng cách mạng, về những ngày đầu nhập ngũ, những ngày chập chững vào ngành hay những ngày mang theo tuổi thanh xuân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Với sự cống hiến cả về trí tuệ, sức khỏe, tâm huyết nên với chức vụ được Đảng, Nhà nước giao phó là một sự khích lệ, động viên, và với chức vụ được giao phó họ là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, của quê hương… Cả một chặng đường dài cống hiến, nhưng khi có quyền lực trong tay, họ lại bị gục ngã bởi tiền tài, danh vọng, đã bị lợi ích vật chất che mờ phẩm chất, đạo đức và lý trí.

leftcenterrightdel
 Clip: Bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Mặc dù diễn biến tại các phiên xét xử, các bị cáo nguyên là quan chức có người nhận lỗi, có người đổ tội cho cấp dưới, có người bao biện do hoàn cảnh, do nhận thức mới dẫn đến vi phạm, nhưng nhiều người trong số họ đã cúi đầu nhận tội, xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi các thế hệ cha anh, đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Bị cáo Đinh La Thăng từng nghẹn ngào: Tết này, bị cáo không đi công trường nữa nhưng phải vào tù. Với bị cáo mọi ước mơ, khát vọng đã hầu như bị khép lại. Bác Hồ đã nói "nhất nhật tại lao, thiên thu tại ngoại", vào đó, bị cáo mới hiểu được ý nghĩa lớn lao hai chữ tự do, cảm thấy sự lớn lao khi Đảng, nhà nước mang lại tự do cho dân tộc.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Văn Nam cùng các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ vi phạm quản lý đất ở Bình Dương.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã nghẹn ngào: Hôm nay, bị cáo vẫn muốn nói lời xin lỗi. Mãi mãi trong cuộc đời này, bị cáo luôn nói lời xin lỗi đến Đảng, Chính phủ, nhân dân, đặc biệt là ngành Công an. Ngành Công an đã nuôi dưỡng bị cáo từ bé, chưa trả công được đã mắc lỗi. Đây là lỗi lầm lớn nhất của bị cáo.

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ân hận: Chỉ vài ngày nữa bước sang tuổi 60, tôi không nghĩ cuộc đời mình vướng vào vòng lao lý như này, rất ân hận. Tôi xin lỗi đồng chí Tổng Bí thư; Đảng bộ và nhân dân Bình Dương. Đau xót cho tỉnh Bình Dương khi những đồng chí, đồng đội vướng vào vòng lao lý hôm nay.

leftcenterrightdel
 Clip: Bị cáo Vũ Huy Hoàng nói lời sau cùng, ân hận vì sai phạm dẫn đến mất danh dự.

Lúc này đây, nhiều cựu quan chức nghẹn lòng, họ không cần những bữa tiệc rượu xa hoa, mà chỉ cần một bữa cơm nhà ấm cúng có mẹ, có cha, có vợ, chồng con cái. Cùng giọt nước mắt hối hận, lời xin lỗi muộn màng, những bản án được tuyên khi đại diện Viện kiểm sát, Tòa án phân hóa từng hành vi phạm tội, tính công trạng để lượng hình. Nhưng bản án lương tâm thì chỉ mình họ mới thấm...

leftcenterrightdel
 
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp nên việc các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố các bị cáo là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, Kiểm sát viên. Trước giờ tuyên án, các bị cáo đứng trước tòa đều cúi đầu nhận tội, cảm ơn cơ quan điều tra, cảm ơn đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân... Đó là thành công của quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
leftcenterrightdel
 Clip: Bị cáo Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng, xin lỗi Đảng, Nhà nước, đồng chí, đồng đội.

Lời xin lỗi của các cựu quan chức tại các phiên xét xử, là lời cảnh tỉnh, là bài học nhãn tiền nhắc nhở những người đương nhiệm, kế nhiệm, những người đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó cho nhiều trọng trách, có địa vị và quyền lực, hãy luôn giữ vững đạo đức cách mạng, giữ vững lời thề kiên trung của một người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nếu gục ngã trước tiền tài, danh vọng, cố ý làm sai thì cái giá phải trả sẽ "rất đắt", khi đó tiền tài cũng sẽ trở nên vô giá trị. 

Nghe những lời bộc bạch sau cùng, nhìn bóng lưng khom mình nói lời xin lỗi, hay vô tình chạm vào ánh mắt cô đơn, lạc lõng của các bị cáo là cựu quan chức, nhiều người không khỏi chạnh lòng, nhận ra, tiền tài, vật chất, quyền lực một thời, không mua được danh dự, liêm sỉ. 

leftcenterrightdel
 Clip: Bị cáo Nguyễn Bắc Son nói lời sau cùng, ân hận vì sai phạm có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng.

Các vụ án được đưa ra xét xử công khai, diễn biến phiên tòa được giới truyền thông tường thuật chi tiết, nhìn vào cái giá phải trả của những quan tham “ngã ngựa”, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ biết lo sợ rơi vào vòng lao lý. Từ đó, mỗi người sẽ tự bảo vệ mình, sẽ điều chỉnh các hành vi, nhận thức để không đi vào vết xe đổ của những người đi trước. Hình phạt với những quan tham trong các phiên đại án sẽ được xem là những minh chứng sinh động để mỗi cán bộ, đảng viên "không dám, không muốn" tham nhũng.

Sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước đã làm thoả mãn được mong muốn của người dân về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trực tiếp là chống tham nhũng, tiêu cực tới cùng, bất kể người đó là ai, chức vụ nào. Các vụ án đã được xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, thu hồi tài sản lớn, từ đó củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

leftcenterrightdel
 Clip: Bị cáo Nguyễn Thành Tài khóc, nói lời sau cùng ân hận xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá: Việc xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ đại án gần đây hay như việc xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đang công tác hoặc đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không an toàn” được người dân ghi nhận và đánh giá cao. Cử tri ghi nhận Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Hà (Hưng Yên) bày tỏ: Mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Đề nghị, sớm đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. 

Thật vậy, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết tấn công tội phạm, khi các đại án được đưa ra xét xử ngày càng quyết liệt, đi tới cùng, quan tham bị xử lý mức án cao, thậm chí lên đến chung thân, tử hình, đã củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kỳ cuối: Bài học kinh nghiệm "Xử một vài người để cứu muôn người"

Hà Nhân - Hà An