Giờ đây, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành “phong trào”, khi mỗi ngày việc tin tức về ông nọ, bà kia vừa bị bắt không còn quá xa lạ, gây sốc với đông đảo nhân dân nữa thì cũng đồng nghĩa với việc nhân dân đã nhận diện được những cú “ngã ngựa” bất ngờ của quan chức trong các đại án. Trong dân, không ít người mặc định rằng, quan chức đều là những người nắm giữ quyền lực nên họ “hướng lái” việc công theo hướng có lợi cho cá nhân, người thân, người quen của mình mà không vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Tất nhiên, khi các quan chức đã lợi dụng quyền lực, dùng mọi thủ đoạn để hợp thức hóa hành vi vi phạm của mình, khi mà đồng tiền làm mờ mắt những cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất… sẽ dẫn đến bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự.
Tại Thủ đô Hà Nội, với trọng trách là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Nguyễn Đức Chung đã không biết giữ mình, vì trục lợi cá nhân, lợi dụng quyền lực được giao, dù biết gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở này, nhưng vẫn chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bảo đảm tính tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố và cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) thí điểm số hóa để doanh nghiệp này tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Trước Tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội khai, bị cáo Nguyễn Đức Chung gọi điện cho mình hai lần nói về việc Sở mở gói thầu số hoá chưa đúng và lần điện thoại thứ ba thì yêu cầu bị cáo dừng mở gói thầu.
|
|
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã từng chỉ đạo cấp dưới để sai phạm trong 3 vụ: Vụ Công ty Nhật Cường, vụ mua chế phẩm làm sạch nước hồ Hà Nội, vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. |
Trở lại, trong một vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) khiến 14 cán bộ, đảng viên thuộc thành phố Đà Nẵng rơi vào vòng lao lý, trong đó hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã cố ý làm trái, chỉ đạo cấp dưới làm quy trình bán nhà công sản, giao đất trái quy định. Viện kiểm sát chỉ rõ: "Hành vi của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài thể hiện sự câu kết của các bị cáo là lãnh đạo với Phan Văn Anh Vũ, thâu tóm nhiều nhà đất vị trí vàng, mua rẻ hơn nhiều giá trị thực, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng”.
Trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), bị cáo Ðinh La Thăng, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trưởng Ban Chỉ đạo dự án nhiên liệu sinh học, mặc dù biết Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí tình hình tài chính đang thua lỗ nặng, nhưng bị cáo Thăng vẫn dùng quyền lực của mình chỉ định thầu cho công ty này. Bị cáo Thăng còn chủ trì các cuộc họp, chỉ đạo, gây sức ép để các bị cáo khác "khẩn trương" hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh của PVC.
Và, đoạn kết của hành vi chỉ đạo cấp dưới cùng “nhúng chàm” được Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Từ đó, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). Và, riêng vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng đã bị Tòa án tuyên phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Ðinh La Thăng là 30 năm tù.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới chỉ định thầu Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ cho "đàn em" - Công ty của Trịnh Xuân Thanh. |
Cũng dùng quyền lực chi phối, trong đại án AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông biết rõ giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Nguyễn Bắc Son đã có bút phê chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015. Động cơ, mục đích chỉ đạo quyết liệt MobiFone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi quan chức Nguyễn Bắc Son "hạ cánh"...
Gần đây, đại án Việt Á gây chấn động dư luận với gần một trăm bị can đã bị khởi tố, trong đó có nhiều quan chức cấp cao vướng vòng lao lý. Tính đến thời điểm này, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can trên khắp tỉnh, thành cả nước và đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan đến đại án Việt Á. Hành vi của các đối tượng thể hiện rõ nét sự cấu kết, “liên minh ma quỷ” của những quyền lực ngầm từ Học viện Quân y - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế để dẫn dắt một doanh nghiệp nhỏ có thể thâu tóm một công trình khoa học tiêu tốn ngân sách gần 19 tỉ đồng, chiếm đoạt bất hợp pháp, chuyển sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sở hữu riêng, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.
Trong 10 năm (2012- 2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can.
|
Không khó để nhận ra điểm chung về thủ đoạn phạm tội của quan chức trong các đại án là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo, chi phối các bên liên quan thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng mang lại lợi ích cho mình. Đó là những vị lãnh đạo có quyền cao, chức trọng nhưng đã thoái hóa, biến chất, bảo kê và tiếp tay cho tội phạm để rồi bản thân mình cũng không thể thoát tội.
Điều đáng nói là, trong số những vị quan chức là tội phạm ấy, có những người vốn có đạo đức, phẩm chất tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần trở nên hư hỏng, biến chất, quên mất lời hứa trước Đảng, lời thề trước dân, thậm chí sẵn sàng phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì “ghế quyền lực” của cá nhân.
Tìm hiểu về các đại án ngày nay, khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Đồng hào có ma” của nhà văn Nguyễn Công Hoan từ những năm 1937 phản ánh về những viên quan lại chuyên ăn hối lộ, đục khoét, ăn bẩn, mà điển hình là quan huyện Hinh. Nhà văn từng mỉa mai: “Tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả”. Còn quan chức trong các đại án thời nay vì “ăn tham” mà dẫn đến tù tội.
Trong dân gian, từ lâu vẫn lưu câu cửa miệng “dân gian - quan tham”. Cái “gian” của dân hay cái “tham” của quan là nguyên nhân chính đánh mất danh dự, mất niềm tin về những điều tử tế, là rào cản sự phát triển của đất nước.
|
|
Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can trên khắp tỉnh, thành cả nước và đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan đến đại án Việt Á. |
Đi tìm nguyên nhân của hàng loạt quan chức biến thành tội phạm trong thời gian rất ngắn, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao những quan chức không hề khó khăn, thiếu thốn về tiền bạc, thậm chí là rất giàu vẫn cố ý làm trái, bắt tay, tạo ra “liên minh ma quỷ” để rồi phải trả giá đắt, đau khổ, nhục nhã vì những “đồng tiền bẩn”. Rồi cũng chính nhân dân đã tìm ra câu trả lời, chắc chắn đó là vì lòng tham. Mà đã tham thì thâm. Đó là luật nhân - quả bao đời nay minh chứng.
Nếu không vì lòng tham, lợi ích nhóm để nhận hối lộ, hoa hồng, quà biếu, “lại quả” bằng những va li tiền thì làm sao trong vụ án Việt Á, có những cán bộ, đảng viên từng là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, sĩ quan cấp tướng, nhà lãnh đạo quản lý… có "lý lịch sáng ngời' trong các kỳ bầu chọn, lại tự đánh mất mình, bất chấp pháp luật, chà đạp lên nỗi đau thương, mất mát của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, để rồi phải trả giá đắt.
Cũng vì lòng tham mà những vị quan chức là người đứng đầu những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng (theo nhân dân nói, họ “thiếu gì tiền” từ bổng lộc do chức vụ ấy mang lại)… đã cấu kết, móc ngoặc với các cá nhân, doanh nghiệp làm trái quy định của pháp luật, trục lợi, gây thất thoát lớn cho nhà nước. Trước cám dỗ của đồng tiền, trước bản ngã của phần con trong phần NGƯỜI, nếu không biết tiết chế, thì khi kim tiền trước mặt sẽ trở thành “viên đạn bọc đường”, có thể phát nổ, đánh gục những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, để lòng tham chế ngự.
Qua các vụ đại án, lộ ra hàng loạt cán bộ, đảng viên vì lòng tham, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa để rồi trở thành tội phạm. Luận bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa và xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: “Để đồng tiền làm mờ mắt, người cán bộ đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quên mất Điều lệ Đảng, quên những điều Đảng viên không được làm… quên đi lời hứa trước những người đồng chí của mình khi vào Đảng dẫn đến vướng vòng lao lý. Những trường hợp như thế Đảng phải làm, phải xử lý thật nghiêm”.
Xin thề: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác”
Đọc lời tuyên thệ là nghĩa vụ và cũng là khoảnh khắc thiêng liêng đối với người đảng viên mới khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của các đảng viên trong chi bộ, các đảng viên mới phải đọc tuyên thệ. Một trong những lời tuyên thệ, đó là: “Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm”. Xin thề!
|
Bài 3. Cúi đầu nhận tội, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân