Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang ở thời kỳ quyết liệt. Đảng ta khẳng định, tham nhũng là quốc nạn, là “giặc nội xâm”, gây thiệt hại, hậu quả rất nặng nề cho nền kinh tế của đất nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thuật ngữ đại án chưa được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đã trở thành câu chuyện hàng ngày của người dân và đang hiện hữu trong đời sống xã hội.
Đại án có thể hiểu là các vụ án tham nhũng, kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với tính chất, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội, có sự móc nối, gắn kết giữa cán bộ, công chức biến chất với người thân, các chủ doanh nghiệp và đối tượng xấu ngoài xã hội, tạo thành “nhóm lợi ích” khép kín, nhằm mục đích vụ lợi.
Trong đó, hành vi tham nhũng được biểu hiện bởi ba dấu hiệu đặc trưng: Một là, được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn. Hai là, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao. Ba là, người thực hiện hành vi tham nhũng có mục đích, động cơ vụ lợi. Tội phạm về tham nhũng là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức bằng cách lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay có hành vi thiếu trách nhiệm do người có chức vụ thực hiện, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Với diễn giải như trên, có thể kể đến đại án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phú Thọ và nhiều địa phương. Trong đó, 2 cựu tướng Công an là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa vướng vòng lao lý, bởi họ là một trong những “mắt xích” quan trọng để đường dây đánh bạc được hình thành và đi vào hoạt động. Họ đã "mặc chiếc áo công vụ" cho việc tổ chức đánh bạc phi pháp, núp dưới danh nghĩa là đề tài “thí điểm” của Ngành để làm "bình phong".
Tổng số tiền thu lời bất chính từ game bài đánh bạc được xác định là gần 10 nghìn tỉ đồng, các bị cáo hưởng lợi trên 4.700 tỉ đồng. Nhưng, số liệu thiệt hại không dừng ở đó và khó có thể thống kê, bởi biết bao gia đình đã khánh kiệt khi trong nhà có một người là “con bạc”? Hành vi phạm tội của 2 cựu tướng Công an và đồng phạm đã đẩy bao gia đình vào cảnh túng quẫn, gây ra hệ lụy mất an ninh trật tự, làm nghèo người dân, làm suy giảm nội lực của đất nước.
|
|
Đại án đánh bạc nghìn tỉ liên quan đến hai cựu tướng đã gây hệ luỵ làm nghèo đất nước, làm khổ người dân. |
Báo chí cũng dành nhiều sự quan tâm để "đặc tả" đại án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), với 19 bị cáo cấu kết thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng đã “làm xiếc” dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo được xác định đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hơn 830 tỉ đồng.
|
|
Đại án xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hơn 830 tỉ đồng. |
Hay, vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại hai dự án Khu dân cư Phước Kiển, dự án Khu dân cư Ven Sông (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Văn phòng Thành ủy làm chủ sở hữu. Dự án Ven Sông và dự án Phước Kiển là hai dự án mà Công ty Tân Thuận là chủ sở hữu. Việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, các cá nhân tại Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy và Thành ủy TP HCM đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chuyển nhượng tại dự án Khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven Sông không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang, với cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM phải biết rõ các quy định của Nhà nước đối với chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư, nhưng vẫn bút phê “Đồng ý” vào tờ trình xin chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án Khu dân cư Phước Kiển mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định, vi phạm quy định của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp. Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang và đồng phạm đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành ủy TP HCM tại Công ty Tân Thuận tổng số tiền hơn 735 tỉ đồng.
Ở một đại án khác, các đối tượng lợi dụng các chính sách, những khu "đất vàng" được đấu giá, hoặc được bán chỉ định với "giá bèo" gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn. Các vụ án liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), được sự tiếp tay của một số cựu lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, Vũ "nhôm" đã thực hiện thâu tóm 22 nhà, đất công sản, 7 dự án bất động sản không đúng quy trình, trái pháp luật. Con số thiệt hại lên tới hơn 22.000 tỉ đồng. Hay như vụ cựu Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam, vi phạm quy định về quản lý đất đai, để gia đình Nguyễn Văn Minh (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2) thâu tóm 2 khu "đất vàng" 43 ha, và 145 ha có vị trí đắc địa ở Bình Dương với "giá bèo", dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước 1.850 tỉ đồng...
Đáng tiếc thay, từ chính sách tận dụng "đất vàng" để phát triển địa phương lại là cơ hội cho tham nhũng, từ những khu "đất vàng" lại trở thành "hố đen" vùi lấp một số cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất. Các vụ án được xét xử, những khu "đất vàng" trở thành một "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế của địa phương, vì để tháo gỡ những "vướng mắc" cần thời gian cả thập kỷ. Hàng chục ngàn ha "đất vàng" trong các đại án bị đình trệ, bỏ hoang, thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội.
|
|
Được sự tiếp tay của một số cựu lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm đã thực hiện thâu tóm 22 nhà, đất công sản, 7 dự án bất động sản không đúng quy trình, trái pháp luật, gây thiệt hại lên tới hơn 22.000 tỉ đồng. |
Có những đại án xảy ra khi người đứng đầu lợi dụng chức vụ để vun vén cho "sân sau", cho các mối quan hệ mờ ám dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước. Thương vụ Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây thiệt hại gần 9.000 tỉ đồng cũng là một trong những đại án điển hình. Cũng là những con số thiệt hại hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đồng liên quan đến các vụ án với vai trò "nhạc trưởng" của Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay các vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội...
Và, thời gian này, cơ quan tố tụng đang đẩy mạnh các biện pháp để điều tra các vụ án lợi dụng chính sách của Nhà nước trong dịch bệnh để trục lợi. Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (đại án Việt Á) và nhiều tỉnh, thành trong nước; hay vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, liên quan đến những chuyến bay "giải cứu" công dân trong đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, các đại án về kinh tế liên quan Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC; Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh; Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… đang được mở rộng điều tra để sớm lật tẩy những hành vi phạm tội làm khổ dân, làm nghèo đất nước.
Bước đầu, cơ quan tố tụng cáo buộc, các bị can trong các đại án đã lợi dụng chính sách tài chính, thao túng giá cổ phiếu, phát hành "khống" trái phiếu nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rất lớn. Hệ lụy làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống hàng vạn gia đình khi mua phải trái phiếu của các công ty, tập đoàn có dấu hiệu lừa đảo; ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường huy động vốn của các doanh nghiệp chân chính, suy thoái nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam chia sẻ với phóng viên đã bày tỏ sự trăn trở: "Một số đồng chí tôi biết họ từng là những cán bộ có phẩm chất, đạo đức lối sống rất tốt, trong sáng nhưng vì ma lực của đồng tiền, những số tiền quá lớn đã làm mờ mắt dẫn đến bị kỷ luật, bị xử lý hình sự. Có những đồng chí có thể tiền chưa thể làm mờ mắt, nhưng vợ con đồng chí đó lại không vượt qua được cám dỗ. Có thể nói, càng ngày “lợi ích nhóm” cấu kết với nhau một cách vô cùng tinh vi và khép kín".
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu.
Hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất nữa, mà còn phi vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công, mà còn trong khu vực tư, có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp...
|
|
Đại diện Viện kiểm sát chỉ ra vai trò đồng phạm của các bị cáo khi để "đất vàng" rơi vào tay tư nhân. (Ảnh: Hà Tuân) |
Nhìn nhận các đại án cho thấy, nhiều bị cáo từng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt như các vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; các cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến; cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam... và cựu lãnh đạo các bộ, ngành: Y tế; Công thương; Công an; Giáo dục… Họ đều là người có trình độ, kinh nghiệm và kiến thức trong công tác quản lý nhà nước, nhưng, vì động cơ không trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị vật chất làm mờ mắt đã cố ý làm trái quy định, giúp các đơn vị "sân sau", những người thân tín "cánh hẩu" để trục lợi, bòn rút tài sản của Nhà nước.
Trong nhiều đại án, hành vi phạm tội có tính chất “nhóm lợi ích", tính chất đồng phạm thể hiện rõ mỗi bị cáo thực hiện hành vi khác nhau, nhưng lại "tiếp nhận" ý chí chỉ đạo từ cấp trên, tới cấp dưới để cùng động cơ, mục đích phạm tội nhằm chiếm đoạt trái phép các tài sản của Nhà nước, công dân để trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, những cái bắt tay trong bóng tối, làm khổ dân, làm nghèo đất nước đã và đang bị trả giá, nhiều quan chức biến chất và các đối tượng trong "nhóm lợi ích" đã phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Kỳ 2: Từ quan chức thành tội phạm