leftcenterrightdel
 Tội phạm sử dụng công nghệ cao gây nhiều ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội (ảnh minh họa).

Theo thống kê của VKSND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023 trên địa bàn thành phố phát sinh 1.653 vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, tăng 1.129 vụ so với cùng kỳ năm 2022, với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, có sự liên kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và thủ đoạn mới, nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thông qua kết quả, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên, VKSND Thành phố đã ban hành kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (UBND Thành phố) áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo đó, VKSND Thành phố liệt kê một số thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài sản thông qua giải quyết các vụ án:

Một là, sử dụng phần mềm Voice over IP (truyền giọng nói qua internet), GoIP (chuyển cuộc gọi qua internet thành cuộc gọi GSM thông thường) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại, rồi giả danh, mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... thông báo người bị hại có liên quan đến các vụ vi phạm giao thông đường bộ hoặc một vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang điều tra, nếu không thực hiện theo yêu cầu của chúng đưa ra sẽ bị khởi tố, bắt giam, làm người bị hại hoang mang, lo sợ, sau đó đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định (có thể là tài khoản của bị hại), cung cấp mã OTP cho đối tượng. Đây là thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn tin tưởng, thực hiện theo yêu cầu và bị chiếm đoạt tài sản.

Hai là, giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo chuyển nhầm tiền, cần rà soát tài khoản để lấy lại tiền; hoặc giả mạo cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, Cảnh sát khu vực... yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử..., gọi điện hỗ trợ việc vay tiền, hoặc làm thủ tục hoàn lại tiền bảo hiểm xã hội... sau đó hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo (tải thông qua các đường link do đối tượng gửi, các ứng dụng, website này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng), sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.

Ba là, sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... kết bạn giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử, cam kết sẽ hưởng lợi cao nhưng an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào.

Bốn là, gửi tin nhắn cho bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn, hoặc đề nghị tham gia các chương trình Game show, các cuộc thi người mẫu, giọng hát nhí... Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân lần lượt hoàn thành các “nhiệm vụ mua sản phẩm” với hứa hẹn sẽ được hoàn lại tiền gốc và lãi theo phần trăm hoa hồng từ giá trị sản phẩm. Sau vài nhiệm vụ với sản phẩm phải thanh toán có mệnh giá thấp, được hoàn trả tiền gốc và lãi, bị hại sẽ được hướng đến sản phẩm sẽ có giá cao hơn và bị chiếm đoạt.

Năm là, giả danh nhân viên của các nhà mạng gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, chuyển đổi, cập nhật số điện thoại phù hợp với mã định danh, hoặc nhân viên điện lực thông báo gian lận trong việc sử dụng điện, hoặc gọi điện mời tham gia làm việc online tại nhà, thu nhập cao, chỉ cần “like”, “share” các đường link do đối tượng cung cấp, hoặc giả mạo tin nhắn của các ngân hàng có nội dung tài khoản của khách hàng bị người khác chiếm quyền, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản hoặc gửi mã QR yêu cầu chuyển tiền cho các đối tượng.

Sáu là, các đối tượng đăng bài quảng cáo trên các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tinder…) với nội dung chào mời tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ hẹn hò, quan hệ nam nữ… Sau đó, yêu cầu bị hại tham gia mua các gói sử dụng dịch vụ, nâng cấp tài khoản, thực hiện nhiệm vụ bình chọn cho gái mại dâm trá hình trên các website do đối tượng tạo lập, có máy chủ đặt tại nước ngoài… để dụ dỗ bị hại tham gia, sau đó lấy nhiều lý do để yêu cầu bị hại chuyển tiền thực hiện các nhiệm vụ rồi chiếm đoạt.

Bảy là, đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng. Nắm bắt được tâm lý người dân hiện nay đã cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng cách gọi điện thoại, tin nhắn cho bạn bè, người thân nhờ chuyển tiền, vay tiền, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn thông qua hình thức giả cuộc gọi video. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân, mối quan hệ cá nhân đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… lấy hình ảnh, video cũ của người dân. Sau đó, sử dụng công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video và sử dụng hình ảnh, video giả đó gọi cuộc gọi “video call” để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, giả tạo các tình huống khẩn cấp cần phải chuyển tiền gấp, làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.

Tám là, mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao thông báo sẽ khóa sim điện thoại do chủ thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin hoặc lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường link do chúng cung cấp. Yêu cầu chủ thuê bao phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... nếu không làm theo SIM của chủ thuê bao sẽ bị khóa. Khi chủ thuê bao không cảnh giác, làm theo yêu cầu của đối tượng thì thông tin của số thuê bao được chuyển sang SIM mới của đối tượng. Đối tượng bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản của chủ thuê bao gắn với số điện thoại cá nhân, nhất là tài khoản thẻ tín dụng; mục đích chiếm quyền sử dụng số điện thoại để phá bảo mật, nhận mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để có thể bẻ khóa, xâm nhập chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Chín là, đối tượng tự lập công ty chứng khoán, website tổ chức kinh doanh sàn ngoại hối (forex), tiền điện tử (altcoin) giả (thực tế không có hoạt động kinh doanh). Sau đó, sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder… để đăng bài, rồi kết bạn làm quen với bị hại. Sau một thời gian quen biết, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử, theo giới thiệu các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là các phần mềm do đối tượng lập ra. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì, hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản, đồng thời các đối tượng cũng khóa tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, Tinder… cắt liên lạc với bị hại. Ngoài ra, để làm cho người bị hại tin tưởng hơn, các đối tượng thuê người khác đăng ký thành lập các công ty, tạo các website có tên và hình ảnh nhận diện có hình thức gần giống với tên của các công ty đang hoạt động có uy tín trên thị trường. Sau đó, mở tài khoản ngân hàng theo tên của công ty đã mở để sử dụng vào việc nhận tiền của người đầu tư để chiếm đoạt.

Mười là, thông qua mạng xã hội Facebook (tin nhắn Messenger), đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với nạn nhân, nhằm tán tỉnh, yêu đương, rồi đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và ngoại tệ số lượng lớn qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng; tiếp theo đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, nhân viên giao hàng… yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng với lý do làm thủ tục nhận hàng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mười một là, gọi điện thoại hoặc qua mạng xã hội giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả và thỏa thuận cung cấp tiền để nạn nhân mua số lô, số đề, hưởng phần trăm hoa hồng; sau đó đối tượng thông báo hết tiền, đề nghị nạn nhân ứng tiền mua lô, đề; nếu may mắn trúng lô, đề, nạn nhân sẽ phải gửi tiền hoa hồng cho đối tượng và bị chiếm đoạt.

Mười hai là, giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản đã mở dịch vụ mới và sẽ bị trừ, đề nghị nạn nhân truy cập vào đường link (tên đường link gần giống tên của ngân hàng). Sau khi nạn nhân cung cấp các thông tin này, đối tượng chiếm quyền sử dụng dịch vụ internet banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

Mười ba là, tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) với mục đích tìm người muốn vay tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi người vay tải ứng dụng về điện thoại; đăng nhập thông tin theo yêu cầu, thì hệ thống website gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo trực tuyến tại bộ phận xét duyệt và thông báo nếu muốn vay tiền thì người vay phải đóng lãi số tiền vay trước thì mới được gửi mã mật khẩu để rút tiền. Sau khi người vay tiền chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì hệ thống thông báo người chuyển tiền nhập sai số tài khoản nên bị đóng băng và yêu cầu người vay phải chuyển thêm tiền để kích hoạt lại tài khoản, số lần yêu cầu người vay tiền chuyển khoản thường không có giới hạn; toàn bộ số tiền người vay chuyển khoản vào tài khoản của các đối tượng chuẩn bị trước bị chiếm đoạt.

Mười bốn là, sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo), sau đó tìm kiếm kết bạn và nhắn tin mua hàng của những người bán hàng trực tuyến trên mạng. Sau khi người bán hàng đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu người bán hàng gửi thông tin tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet banking, số điện thoại của mình cho đối tượng.

Sau đó, đối tượng tạo cớ chuyển tiền mua hàng không thành công, đề nghị người bán hàng truy cập vào trang web giả mạo của ngân hàng để nhập đầy đủ thông tin như: Tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền. Khi nạn nhân nhập thông tin và mã OTP thì các đối tượng chiếm quyền sử dụng dịch vụ Internet banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân chuyển tới tài khoản khác để chiếm đoạt.

Mười lăm là, đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự gần giống (có thể thêm, bớt một vài chữ, số…) với hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác sau đó liên hệ đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.

Mười sáu là, nhắn tin giả mạo thương hiệu các Ngân hàng uy tín (tin nhắn Brand name - tên hiển thị trên tin nhắn là tên các ngân hàng) với nội dung thông báo thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người dân tại các ngân hàng này đã bị khóa, đề nghị truy cập theo đường link để xác thực. Đường link các đối tượng cung cấp trong tin nhắn là địa chỉ giả mạo, có cấu trúc, nội dung gần giống địa chỉ website thật của ngân hàng khiến người dân lầm tưởng là website của ngân hàng, sau đó nhập toàn bộ các thông tin tài khoản ngân hàng của bản thân (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP...) vào website. Qua đó, các đối tượng có được thông tin, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chuyển tiền trong tài khoản của bị hại đến tài khoản khác để chiếm đoạt.

Mười bảy là, đối tượng tham gia vào các nhóm phụ huynh có con em đang học tại các trường điểm trên địa bàn thành phố. Sau đó, đối tượng lập các group dạy thêm, học thêm, đăng thông tin của các thầy cô nổi tiếng, có uy tín trong trường; đưa ra các khóa học, chương trình dạy học, khóa luyện thi vào các trường nổi tiếng, trường điểm; đánh vào tâm lý muốn con theo học của phụ huynh, để phụ huynh đăng ký, sau khi đăng ký chúng yêu cầu phụ huynh chuyển một số tiền nhất định để đóng tiền cọc khóa học, đóng tiền học phí, từ đó chiếm đoạt.

Mười tám là, đối tượng gửi thông báo cho người dân may mắn đã trúng thưởng chương trình quay thưởng của một công ty, tổ chức nào đó và yêu cầu người dân liên kết thẻ ngân hàng, đăng nhập vào đường link, nhập số tài khoản, mã OTP để nhận tiền; yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản chỉ định hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển cho chúng làm thủ tục nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

Mười chín là, sử dụng mạng Zalo, Facebook, sim không chính chủ lập trang mạng bán xe máy, laptop rẻ, hàng trốn thuế, đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân, khi người dân liên hệ mua, chúng sẽ yêu cầu chuyển số tiền nhất định để làm tin, sau đó thông báo, thời gian giao hàng; gần đến thời gian giao hàng chúng sẽ lấy lý do thuyết phục yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để làm thủ tục, giấy tờ, sau khi người bị hại chuyển tiền xong sẽ chiếm đoạt và chặn số liên lạc.

Hai mươi là, ngoài ra các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác như: Tạo lập các trang, tài khoản mạng xã hội (chủ yếu trên Zalo, Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng, cung cấp những nội dung không có thật về cơ quan, tổ chức, cá nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ; cung cấp tài khoản ngân hàng, đề nghị, kêu gọi chuyển tiền trợ giúp và chiếm đoạt. Gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên Bưu điện, Bưu cục, Ngân hàng... thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày chưa đến nhận, nợ tiền ngân hàng do người khác lấy chứng minh nhân dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng... hoặc gọi điện tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm; sau khi nạn nhân đồng ý, đối tượng yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP.

Sau đó chúng thực hiện quẹt thẻ thông qua các gian hàng trên website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng để chiếm đoạt. Lập ra các Fanpage trên mạng xã hội Facebook, đăng tải thông tin, hình ảnh về các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài đang được giảm giá để thu hút khách hàng. Lấy lý do hàng nhập khẩu, phải đặt cọc, không nhận COD (dịch vụ giao hàng thu tiền hộ), đối tượng yêu cầu khách mua hàng phải thanh toán tiền trước hoặc đặt cọc 50% giá trị sản phẩm, chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp, sau khi khách hàng chuyển tiền, đối tượng không giao hàng như cam kết, chặn facebook và ngắt liên lạc để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Hay như lợi dụng thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ của học sinh, các đối tượng đăng các tin trên mạng xã hội quảng cáo giới thiệu tham gia Chương trình trại hè/khóa học ngoại khóa của các cơ quan, tổ chức cho học sinh tham gia trong kỳ nghỉ hè. Sau đó, yêu cầu người bị hại tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền có hưởng lợi nhuận để hoàn thành thử thách đăng ký tham gia chương trình. Lúc này, các đối tượng lấy nhiều ý do yêu cầu người bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Bên cạnh đó là việc giả danh là giáo viên, nhân viên y tế hoặc các cơ quan chức năng khác gọi điện cho phụ huynh học sinh, thông báo con em của họ bị tai nạn, đang đi cấp cứu, yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền gấp vào tài khoản để làm thủ tục nhập viện, đóng viện phí, đóng chi phí khác, sau đó chiếm đoạt. Gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh đã mua hàng của đối tượng nhưng còn nợ tiền và yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để trả tiền cho đối tượng...

Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng, VKSND Thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan của thành phố một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với Sở Thông tin và Truyền thông có chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố mở các chuyên mục, điểm tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, với các nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân theo dõi. Hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.

Chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật sẵn có về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm như gửi tin nhắn SMS qua ứng dụng của nhà mạng với thông điệp cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.

Đồng thời cảnh báo cho người dân thận trọng khi nhận các cuộc gọi VoIP (là công nghệ truyền tiếng nói của con người (thoại) qua mạng máy tính), cuộc gọi từ nước ngoài, các cuộc gọi rác, các trang mạng có dấu hiệu lừa đảo. Khi thực hiện các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung tiếp thị sản phẩm đến người dùng phải được người dùng chấp thuận trước; Phối hợp chặt chẽ, kịp thời cung cấp thông tin về thông tin các chủ thuê bao điện thoại, internet… với Cơ quan điều tra Công an Thành phố để kịp thời ngăn chặn, xác minh, xử lý thông tin về tội phạm.

Chủ động phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu có liên quan phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra các cấp. Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, internet lưu giữ bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo; Triển khai các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ bảo vệ người sử dụng.

Bên cạnh đó chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quảng cáo... tích hợp trên các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, để phòng ngừa đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.

Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để tự bảo vệ trước sự tấn công của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hạn chế sự lây nhiễm của các phần mềm độc hại cũng như sự thâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính, nhận thức được các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, tránh lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và phớt lờ các cảnh báo an ninh mạng từ đó thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen sử dụng mạng không an toàn. Các đơn vị có hệ thống thông tin, dữ liệu lớn, quan trọng phải có bộ phận chuyên trách an ninh mạng, xây dựng hệ thống tường lửa để ngăn chặn việc xâm nhập.

Thứ hai, đối với các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể khác của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để cho mỗi người dân hiểu và tuân thủ pháp luật, không cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng, không nhận thuê mở, bán tài khoản ngân hàng, không tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật. Cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể, để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết, cảnh giác, phòng ngừa và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân về các nguy cơ mất an ninh, an toàn trên mạng Internet, viễn thông cũng như ảnh hưởng, tác động của công nghệ thông tin đến đời sống xã hội; để chủ động có biện pháp phòng, chống, tự bảo vệ, nâng cao tính bảo mật, an toàn mạng máy tính và dữ liệu khi kết nối, truy cập không gian mạng.

Quán triệt cho cán bộ, đảng viên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người thân, gia đình khi sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, tình cảm trên mạng xã hội, các hình thức nhận thưởng, tặng quà, mua bán hàng hóa, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử, huy động vốn... trên mạng internet, viễn thông, không để tội phạm lợi dụng hoạt động và trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo xây dựng, tổ chức các chương trình ngoại khóa, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với chương trình học, lứa tuổi, bậc học, để giáo viên, học sinh, sinh viên nâng cao cảnh giác về tội phạm trên không gian mạng. Định hướng, khuyến cáo học sinh, sinh viên không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, không sử dụng “sim rác”, không mua bán tài khoản ngân hàng, không tham gia đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc, không tham gia hội, nhóm thực hiện hành vi phạm pháp luật, góp phần phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Sở Công thương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nội dung, điều kiện hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, chủ động phòng ngừa tội phạm lợi dụng hoạt động, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý hoặc trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra các cấp điều tra, xử lý. Chỉ đạo, vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng qua các áp phích, màn hình quảng cáo.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các bến tàu, bến xe... theo hình thức phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an thành phố tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm trong phòng chống tội phạm công nghệ cao cho cán bộ, công chức, người lao động ngành ngân hàng trên địa bàn. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các điểm giao dịch. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, xử lý thông tin về các giao dịch đáng ngờ, nghi vấn liên quan đến tội phạm; kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu tội phạm, áp dụng những biện pháp phù hợp, nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng sự sơ hở, nhẹ dạ của người dân để thực hiện hành vi tội phạm, hạn chế thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Việt An - Hương Lan