|
|
Đ/c Kiều Hồng Nhung, Kiểm sát viên Phòng 3 VKSND tỉnh tham gia hỏi cung bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Chiêu thức cũ nhưng hiệu quả cao
Với phương thức giả danh nhân viên bưu điện, Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, sử dụng mạng xã hội Facebook và dùng các tài khoản mang tên nước ngoài để làm quen rồi yêu cầu chuyển tiền để nhận các gói hàng có giá trị lớn từ nước ngoài chuyển về nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Chỉ tính riêng từ ngày 20/8/2021 đến ngày 03/12/2021, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 6 vụ việc, với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 8,4 tỉ đồng.
Điển hình, bà N. quen đối tượng “Johson Alex” qua mạng xã hội Facebook và thường xuyên nhắn tin, nói chuyện, gửi hình ảnh. Sau một thời gian tâm sự, “Johson Alex” nói sẽ về Việt Nam sinh sống và xin địa chỉ để gửi quà có giá trị lớn về Việt Nam cho bà N.
Tuy nhiên sau đó bà N. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự nhận là nhân viên sân bay yêu cầu nếu muốn nhận quà thì bà N. phải chuyển tiền qua ngân hàng để thanh toán các khoản phí dịch vụ, phí phát sinh trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về, gói quà có nhiều đô la Mỹ và vàng nên phải đóng tiền phạt, tiền thuế cao…
Do tin tưởng nên bà N. đã nhiều lần đến ngân hàng để chuyển tổng số tiền 2,515 tỉ đồng. Sau đó các đối tượng này cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Định hình thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo
Mặc dù thủ đoạn trên đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc và đã được các cơ quan truyền thông đưa tin cảnh báo nhiều, trong thời gian dài. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, loại tội phạm này chỉ mới phát sinh và thực hiện dưới dạng thủ đoạn như sau:
Các đối tượng (nhóm thứ nhất) có trách nhiệm tạo lập các tài khoản ảo, gắn mác là những binh sỹ của Hoa Kỳ chiến đấu ở chiến trường Afghanistan chuẩn bị nghỉ hưu nên muốn đến Việt Nam sinh sống và muốn làm quen, gửi tiền, quà tặng giúp đỡ những người Việt Nam đang gặp khó khăn, hoặc giả danh là người của Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện…tạo ra tình huống nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mục tiêu mà các đối tượng nhắm đến là phụ nữ và người nông thôn.
Nhóm thứ hai (là các đối tượng đóng giả là nhân viên của các đơn vị Hải quan sân bay, vận chuyển...) sau khi tiếp nhận được thông tin từ nhóm thứ nhất sẽ sử dụng sim rác gọi xác nhận đã nhận được quà, hàng hóa, yêu cầu bị hại nộp các loại phí và chiếm đoạt. Khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu, số tiền này ngay lập tức được chuyển đi nhiều tài khoản khác.
Qua xác minh chủ các tài khoản tiền chuyển đến, những người này được một hoặc một số đối tượng không rõ lai lịch nhờ mở tài khoản, trả tiền công rồi lấy và sử dụng những tài khoản này. Sau khi tiền chuyển vào, các đối tượng có thể tẩu tán bằng nhiều hình thức khác nhau làm dòng tiền..."biến mất". Vì khó xác định được dòng tiền đi đâu, không xác định được các đối tượng này là ai nên Cơ quan điều tra chưa thể xử lý.
Viện kiểm sát kiến nghị giải pháp
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao thông qua mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4634/QĐ-UBND ngày ngày 01/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh Cơ quan Công an, Viện kiểm sát gọi điện thoại để yêu cầu chuyển tiền, lừa nhận bưu phẩm, quà tặng qua mạng xã hội, internet mà không phải do người thân chuyển về.
Đặc biệt đối với ngân hàng nhà nước cần có các pano cảnh báo tại các trụ sở Ngân hàng, tổ chức tín dụng để những người đến giao dịch chuyển tiền dễ nhận biết nhằm hạn chế thấp nhất hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra.