    |
 |
Văn bản kiến nghị của VKSND quận Phú Nhuận. |
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê từ tháng 10/2024 đến ngày 28/2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Phú Nhuận đã khởi tố 31 vụ - 2 bị can về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, với số tiền chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Theo nghiên cứu của VKSND quận Phú Nhuận, nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao là do việc thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng, mang tính “ẩn danh”, “phi truyền thống” đã giúp đối tượng che giấu nhân thân, lai lịch, dễ dàng xóa bỏ, tiêu hủy dấu vết phạm tội.
Bên cạnh đó ý thức của người sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin, mạng xã hội đối với việc bảo đảm an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp (ví dụ: nhấn vào các đường dẫn (link) mã độc trên Facebook tạo điều kiện để các đối tượng chiếm quyền sử dụng trang cá nhân,…) một số người dân vì động cơ tư lợi và thiếu hiểu biết pháp luật (ví dụ: nộp tiền vào tài khoản của người lạ để nhận thưởng điện thoại di động, xe ô tô, xe máy mặc dù bản thân không tham gia bất kỳ chương trình, cuộc thi nào) đã tạo điều kiện cho tội phạm này phát triển.
Do đó để phòng ngừa, kéo giảm tội phạm nói chung và tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” nói riêng trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND quận Phú Nhuận đã ban hành văn bản số 73/KN-VKS.PN ngày 26/3/2025, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận chỉ đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm giúp quần chúng nhân dân nhận biết được hành vi, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội; từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Cụ thể cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại di động hoặc mã vùng lạ tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, yêu cầu cung cấp số tài khoản hoặc thực hiện các hoạt động khác đối với tài khoản ngân hàng; không truy cập vào các đường dẫn (link) lạ trên mạng xã hội; tăng cường bảo mật xác thực hai yếu tố cho tài khoản mạng xã hội (2-factor-authentication); không nộp tiền nhận thưởng cho tài khoản lạ nếu bản thân không tham gia các chương trình hay cuộc thi nào; v.v..
Đồng thời đề nghị UBND quận Phú Nhuận chỉ đạo các cơ quan đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm đến người dân: Tạo mã QR code cung cấp tài liệu tuyên truyền bằng hình ảnh minh hoạ trên các trang fanpage nhiều lượt theo dõi của quận Phú Nhuận; Tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm công nghệ cao của quần chúng nhân dân thông qua băng rôn, khẩu hiệu tại địa bàn, khu dân cư…
Ngày 3/4/2025, UBND quận Phú Nhuận đã có Công văn số 563/UBND do Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Kiều Nhi ký, gửi VKSND quận Phú Nhuận về việc tiếp thu nội dung kiến nghị. Trong công văn, UBND quận ghi nhận và đánh giá cao nội dung phân tích, đề xuất của VKSND quận; đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao, trong đó chủ đạo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao sự hiểu biết và cảnh giác trước những đối tượng có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.
UBND quận Phú Nhuận cũng đồng thời đề nghị Thượng tá Phan Đức Tuấn - Phó Trưởng Phòng Hậu cần (Công an TP Hồ Chí Minh) phụ trách địa bàn Phú Nhuận phối hợp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Tổ địa bàn Phú Nhuận và Công an 11 phường tăng cường công tác đấu tranh, nâng cao nghiệp vụ cơ bản, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý chặt chẽ di biến động của các loại đối tượng, bảo đảm các đối tượng có điều kiện và khả năng có thể phạm tội cũng như có biểu hiện nghi vấn phạm tội xâm phạm quyền sở hữu đều được đưa vào diện quản lý, bố trí theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn khi gây án.