|
|
VKSND và TAND huyện Ea Kar phối hợp tổ chức phiên tòa lưu động. |
Tình trạng ly hôn đáng báo động
Theo thống kê, chỉ trong 2 năm 2021 và 2022, TAND huyện Ea Kar đã thụ lý 966 vụ án Hôn nhân và gia đình (đình chỉ 349 vụ, công nhận sự thỏa thuận 487 vụ và xét xử 105 vụ). Trong đó năm 2022, TAND huyện thụ lý 544 vụ (tăng 122 vụ so với năm 2021).
Sau khi Luật hòa giải, đối thoại có hiệu lực pháp luật, TAND huyện Ea Kar đã thụ lý, giải quyết 35 việc (rút đơn 6 việc, chuyển thụ lý 8 việc, quyết định công nhận 21 việc); tỷ lệ vợ chồng trẻ ly hôn ở độ tuổi từ 18 đến 40 chiếm 80% và có 40% trường hợp ly hôn sau khi kết hôn từ 1 năm đến 4 năm, có nhiều trường hợp ly hôn khi mới kết hôn với nhau được vài tháng và hầu hết đã có con chung.
Nhận diện nguyên nhân
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình, VKSND huyện Ea Kar nhận thấy tình trạng ly hôn ngày càng tăng và trẻ hóa bởi những nguyên nhân sau:
Đại đa số các cặp vợ chồng ly hôn đều thiếu hiểu biết và nhận thức pháp luật về hôn nhân gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới...
Sự phát triển sớm về tâm lý, giới tính và tác động của môi trường xã hội đã ảnh hưởng đến tâm lý của lớp trẻ như: Thường có biểu hiện yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, chưa chuẩn bị cho mình kỹ năng đầy đủ về cuộc sống hôn nhân, quan hệ vợ chồng. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn quan hệ vợ chồng thường không có biện pháp giải quyết phù hợp, dẫn đến xung đột mâu thuẫn quan hệ vợ chồng phát sinh gay gắt dẫn đến việc ly hôn;
Trình độ phát triển của các dân tộc không đồng đều, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi trên địa bàn còn thấp, nặng về phong tục tập quán; trình độ học vấn thấp; sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm cho một số bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, coi nhẹ những giá trị thuần phong mỹ tục và truyền thống gia đình;
Tư tưởng lạc hậu, vẫn còn tình trạng trọng nam khinh nữ; tình trạng bạo lực gia đình, nghiện ngập và các tệ nạn xã hội khác hoặc do ghen tuông… nên đã gây ra nhiều rạn nứt trong hôn nhân, làm tổn thương nặng nề về tâm lý, thể chất;
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội chưa được quan tâm đúng mức; Việc nắm bắt những mâu thuẫn trong nhân dân còn chưa kịp thời; Công tác hòa giải ở cơ sở hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra ... do đó số vụ ly hôn vẫn còn nhiều, đáng báo động.
|
|
VKSND huyện Ea Kar luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành tại địa phương. |
Viện kiểm sát kiến nghị giải pháp phòng ngừa
Để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng tại địa bàn huyện, VKSND huyện Ea Kar kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND huyện Ea Kar các giải pháp phòng ngừa như sau:
Một, Tiếp tục tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng trong người dân bằng các hình thức, biện pháp phù hợp có sự lồng ghép, đặc biệt là tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, như: Luật hôn nhân và gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới ... ;
Hai, Tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, chủ trì và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho các xã, thị trấn và cơ quan tổ chức có liên quan. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã, thị trấn; tổ chức tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên;
Ba, Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, thị trấn hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước của buôn, thôn, tổ dân phố… Phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn Tổ hòa giải đảm bảo có chất lượng và hoạt động có hiệu quả;
Bốn, Hàng năm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức kiểm tra, sơ kết, tống kết để rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng những Hòa giải viên, Tổ hòa giải, UBND các xã, thị trấn và các Cơ quan tổ chức có thành tích trong việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, để động viên khích lệ, nhân rộng điển hình và coi đây là một tiêu chí để xét thi đua hằng năm đối với UBND các xã, thị trấn và các Cơ quan tổ chức có liên quan.
Việc kiến nghị phòng ngừa nêu trên của VKSND huyện Ea Kar đối với UBND huyện Ea Kar nhằm giảm tình trạng mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình và giảm số vụ án ly hôn Tòa án phải thụ lý giải quyết, để mỗi gia đình trên địa bàn thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương./.