VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) vừa ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 147/2020/HS-PT ngày 27/11/2020 của TAND tỉnh Long An do có sai sót liên quan đến việc xử lý vật chứng trong vụ án “Trộm cắp tài sản”“Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

leftcenterrightdel
 Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3

Theo nội dung vụ án, Trương Công Ngọc, Dương Tấn Đạt và Trương Công Đức rủ nhau trộm 2 máy bơm thủy lực của các ông Bùi Trần Thiệt Quý và Trương Công Hiền sau đó bán lại cho Phạm Văn Điền. Dù biết đây là tài sản phạm tội mà có nhưng Điền vẫn mua với giá 17.000.000đ rồi bán lại cho ông Lê Văn Chung và ông Trương Văn Phướng với số tiền 61.000.000 đồng.

Trong quá trình điều tra, ông Chung và ông Phướng đã nộp lại 2 máy bơm đã mua của Phạm Văn Điền để cơ quan Công an giao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản là hai ông Bùi Trần Thiện Quý và Trương Công Hiền. Đồng thời Phạm Văn Điền cũng trả lại số tiền 61.000.000 đồng cho ông Chung, ông Phướng.

Trước đó vào ngày 18/2/2020 vợ Điền là bà Phạm Thị Tâm có nộp cho Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Thạnh số tiền 44.000.000 đồng để đảm bảo cho việc hoàn trả cho ông Lê Văn Chung và ông Trương Văn Phướng.

Khi vụ án đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 27/7/2020, Phạm Văn Điền bị TAND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xử phạt 1 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, đồng thời tịch thu sung vào ngân sách số tiền 44.000.000 đồng mà bà Phạm Thị Tâm đã nộp thay cho chồng, là số tiền bị cáo đã thu lợi bất chính, cùng một số công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.

Ngày 6/8/2020, Viện trưởng VKSND huyện Tân Thạnh ra quyết định kháng nghị phúc thẩm về phần xử lý vật chứng, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hoàn trả cho bị cáo Phạm Văn Điền và bà Phạm Thị Tâm số tiền 44.000.000 đồng nói trên.

Đồng thời ngày 25/8/2020, Viện trưởng VKSND tỉnh Long An cũng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm về phần áp dụng các biện pháp tư pháp đối với Dương Tấn Đạt và Trương Công Ngọc, buộc Ngọc và Đạt nộp lại 17.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 147/2020/HS-PT ngày 27/11/2020 của TAND tỉnh Long An tuyên: “chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Long An, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 15/2020/HS-ST ngày 27/7/2020, buộc các bị cáo Dương Tấn Đạt và Trương Công Ngọc nộp lại 17.000.000 đồng. Mỗi bị cáo có trách nhiệm nộp lại 8.500.000 đồng, tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước”.

Sau đó VKSND tỉnh Long An có báo cáo gửi Viện cấp cao 3 đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm đã nêu, liên quan đến việc tuyên tịch thu số tiền 44.000.000 đồng của bị cáo Phạm Văn Điền và vợ.

Qua nghiên cứu hồ sơ Viện cấp cao 3 nhận thấy, trong quá trình điều tra Phạm Văn Điền đã hoàn trả xong tiền bán hai máy bơm thủy lực là 61.000.000 đồng cho hai ông Lê Văn Chung và Trương Văn Phướng, do đó số tiền thu lợi từ việc bán hai máy bơm thủy lực đã được Điền giao trả cho ông Chung và ông Phướng, bị cáo không còn hưởng lợi từ việc mua bán nói trên. Như vậy số tiền 44.000.000 đồng mà vợ Điền đã nộp cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Thạnh không phải là vật chứng trong vụ án.

Thực tế thì vật chứng trong vụ án là 2 máy bơm thủy lực đã được thu hồi và trao lại cho chủ sở hữu hợp pháp ông Bùi Trần Thiệt Quý và ông Trương Công Hiền, nên việc tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự và điều 47 Bộ luật hình sự để tuyên tịch thu số tiền 44.000.000 đồng là sai quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo Phạm Văn Điền và vợ.

Trong trường hợp này, theo quan điểm của Viện cấp cao 3, cần vận dụng quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên trả lại số tiền 44.000.000 đồng cho bà Phạm Thị Tâm mới đúng quy định pháp luật.

Do đó Viện cấp cao 3 đã kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 147/2020/HS-PT ngày 27/11/2020 của TAND tỉnh Long An, đề nghị TAND cấp cao tại TP  Hồ Chí Minh xét xử hủy một phần bản án đã nêu về phần xử lý vật chứng số tiền 44.000.000 đồng để xét xử lại.

Trân Định - Việt An