Qua công tác kiểm sát bản án KDTM sơ thẩm của TAND thị xã Bỉm Sơn về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) (địa chỉ: 194 Trần Quang Khải, Quận Hoàn Kiểm, Hà Nội) và bị đơn là hộ kinh doanh TN. (địa chỉ: xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). VKSND tỉnh Thanh Hóa đã banh hành kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án KDTM sơ thẩm để giải quyết lại.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên phát biểu tại phiên toà hành chính sơ thẩm (ảnh minh hoạ)

Theo nội dung vụ án, ngày 12/2/2015, Hộ kinh doanh TN. ký kết với Ngân hàng BIDV Hợp đồng tín dụng (HĐTD) số 01/2015/3927249/HĐTD đề vay số tiền 500 triệu đồng, thời hạn vay là 11 tháng kể từ ngày 12/02/2015 đến 12/01/2016, mục đích vay là kinh doanh. Tổng dư nợ (gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, phí phạt) tính đến ngày  13/12/2023 là 1.139.294.443 đồng;  tài sản đảm bảo cho khoản vay trên bao gồm:

Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn Xuân Giải, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 27/02/2014 đứng tên anh T. và chị H.

Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn 6, Tân Sơn, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 15/12/2010 đứng tên ông N. và bà L.

Quá trình thực hiện HĐTD, Hộ kinh doanh TN. trả được số tiền lãi là 4.594.444 đồng, sau đó vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.

Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Hộ kinh doanh TN. phải trả số tiền trên và khoản tiền lãi phát sinh cho đến tất toán khoản nợ theo lãi suất đã thỏa thuận. Trường hợp không thanh toán được nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên xử lý các tài sản thế chấp nêu trên theo HĐTD đã ký kết.

Quá trình giải quyết, TAND thị xã Bỉm Sơn tuyên xử: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Ngân hàng BIDV; Buộc Hộ kinh doanh TN. thanh toán số nợ gốc là 500 triệu đồng cho Ngân hàng và khoản tiền lãi chậm trả đối với số tiền này tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp Hộ kinh doanh TN. không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền đề nghị Chi cục Thi hành án Dân sự kê biên, phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Bác yêu cầu buộc Hộ kinh doanh TN. thanh toán số tiền lãi là 639.294.443 đồng.

Bản án sơ thẩm trên tồn tại một số vi phạm nghiêm trọng. Trước hết là việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng. Cụ thể, HĐTD giữa Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bỉm Sơn với Hộ kinh doanh TN. có nội dung thời hiệu trả nợ của Hộ kinh doanh TN. chấm dứt khi bên vay trả xong nợ cả gốc, lãi và phí (nếu có) của toàn bộ những khoản vay đã phát sinh từ hợp đồng này. Nhưng tại thời điểm Ngân hàng khởi kiện, bị đơn đang phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, HĐTD chưa được thanh lý nhưng Toà án áp dụng Điều 429 Bộ luật Dân sự tuyên HĐTD đã hết thời hiệu khởi kiện, chỉ chấp nhận yêu cầu trả số nợ gốc (số tiền 500 triệu đồng), không chấp nhận phần yêu cầu về lãi suất (số tiền 639.294.443 đồng).

Ngoài ra, còn vi phạm về việc tính số tiền lãi. Trong quá trình thực hiện HĐTD, bên bị đơn đã trả cho Ngân hàng được 4.594.444 đồng tiền lãi, nhưng Tòa án không đưa vào để nhận định và giải quyết trong vụ án.

Bản án cũng đã áp dụng sai căn cứ pháp luật để tính án phí. Theo đó, Tòa án áp dụng sai tố tụng tính thời hiệu để giải quyết, dẫn đến sai về nội dung, từ đó áp dụng điểm c phần A.II.1.3 Danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tuyên về phần án phí buộc nguyên đơn phải chịu số tiền án phí 29.571.777 đồng đối với số tiền lãi trong hạn và quá hạn tổng tiền 639.294.443 đồng không được Tòa án chấp nhận là vi phạm Điều 429 Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Tòa án còn vi phạm trong việc không áp dụng Điều 278, Điều 280 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đồng thời, việc không nêu quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát trong bản án cũng là thiếu sót.

Từ những căn cứ trên, ngày 19/4/2024, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử phúc phẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa, tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

Đinh Huê