Thời gian qua, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nâng cao chất lượng công tác kháng nghị. Chỉ tính riêng năm 2023, VKSND hai cấp đã ban hành 28 kháng nghị phúc thẩm (trong đó, VKSND tỉnh 13 kháng nghị, VKSND cấp huyện 15 kháng nghị). 

"Về mặt số lượng, con số này không phải là lớn so với số lượng án dân sự rất lớn của Thanh Hóa, tuy nhiên, đã có sự nâng lên về chất lượng. Quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh là kháng nghị phải có căn cứ, nội dung kháng nghị phải cụ thể, rõ ràng, phải bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đối với các vụ án dân sự, nếu vi phạm tố tụng thì chỉ đề nghị hủy án khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.", đồng chí Lê Đức Tùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hoá cho biết.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự (ảnh minh hoạ).

Đồng chí Phó Viện trưởng dẫn giải: Nội dung các kháng nghị của Viện kiểm sát đối với các vụ án dân sự chủ yếu là do các bản án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật như: Việc thu thập chứng cứ của Tòa án chưa đầy đủ, nếu thu thập đầy đủ chứng cứ thì bản chất vụ án sẽ khác so với quyết định của bản án; đánh giá chứng cứ đã thu thập được không khách quan, không trên cơ sở quy định của pháp luật. Vi phạm xảy ra nhiều trong các vụ tranh chấp đất đai, chia thừa kế là quyền sử dụng đất; hợp đồng vay mượn tài sản.

Nhiều trường hợp sai lầm do vận dụng các luật nội dung không chính xác. Đơn cử như, theo quy định của Luật Đất đai năm 2004 là khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, có Tòa vẫn tuyên chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực đối với các trường hợp khi chuyển nhượng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị tuyên vô hiệu không đúng quy định tại Điều 134 BLDS 2005 và Điều 129 BLDS 2015.

Các vụ tranh chấp thừa kế thường vi phạm trong việc xác định về di sản thừa kế; xác định sai về diện thừa kế, thừa kế thế vị, vừa ảnh hưởng quyền lợi đương sự, vừa vi phạm tố tụng dân sự. Ví dụ, trường hợp bố mẹ đã lập văn bản tặng cho một người con toàn bộ quyền sử dụng đất, có công chứng, nhưng trong "hợp đồng tặng cho" người mẹ không ký, nay bố mẹ đều đã mất, Tòa tuyên vô hiệu toàn bộ "hợp đồng tặng cho" và chia thừa kế đối với toàn bộ quyền sử dụng đất trước đó là tài sản của bố mẹ. Trường hợp này thì phải xác định "hợp đồng tặng cho" vô hiệu một phần, là phần tài sản của người mẹ, phần này là di sản thừa kế. Phần của người bố phải xác định đã cho người con hợp pháp.

Có những trường hợp Viện kiểm sát phát hiện do áp dụng không đúng quy định tại Nghị quyết 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, dẫn đến thu thừa án phí của đương sự 50-70 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Đức Tùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hoá. 

Năm 2023, tỷ lệ kháng nghị của VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa được Tòa án chấp nhận 18/18 vụ có kháng nghị đã xét xử (đạt 100%). Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát dân sự ngày càng được khẳng định. 

Để đạt được kết quả này là có sự kiên quyết, kiên trì của lãnh đạo VKSND tỉnh, có nhiều đột phá cả về công tác cán bộ, quan điểm chỉ đạo, sự sâu sát trong điều hành. Cùng với đó là vai trò đặc biệt quan trọng của các Kiểm sát viên trong việc đưa ra quan điểm cụ thể, chính xác, khách quan khi tham gia phiên tòa, hoặc phát hiện được vi phạm để ban hành kháng nghị.

Mặt khác, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tỉnh, ban hành Quy chế phối hợp. Theo đó, mặc dù Bộ luật Tố tụng Dân sự chưa quy định Kiểm sát viên tham gia thẩm định tại chỗ nhưng theo Quy chế, khi thẩm định, định giá, Thẩm phán mời Kiểm sát viên tham dự; điều này mang lại hiệu quả rất lớn trong việc giải quyết vụ án. Vì khi đi thực tế, thực địa, Kiểm sát viên mới nắm bắt được đầy đủ,  khách quan vụ việc và trên cơ sở đó,  phối hợp với Thẩm phán để có quan điểm giải quyết chính xác. 

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, VKSND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng công tác kháng nghị nói riêng, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung, tạo đột phá thực sự ở lĩnh vực công tác này.

Đinh Huê