Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án và bản án dân sự sơ thẩm về “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đồng nguyên đơn: ông Nguyễn Trọng C (sinh năm 1960, trú tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) và bị đơn ông Nguyễn Trọng T (sinh năm 1972, trú tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Xét thấy vụ án cần được giải quyết lại để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự, VKSND huyện Thạch Thành đã ban hành kháng nghị đề nghị TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tham gia hoạt động thẩm định tại chỗ cùng Tòa án (ảnh minh hoạ).

Nội dung vụ án: Cụ Nguyễn Trọng Y (mất năm 2020) và cụ Nguyễn Thị Ph (mất năm 2019), sinh được 9 người con gồm: Nguyễn Trọng B, Nguyễn Thị H, Nguyễn Trọng C, Nguyễn Thị Th, Nguyễn Trọng L, Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Trọng T và Nguyễn Thị Hồng P.  Anh trai cả là Nguyễn Trọng B đã hi sinh, lúc hi sinh chưa có vợ, con. Cụ Y và cụ Ph định cư tại thôn Tân Long, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành và có tạo dựng được tài sản là thửa đất tại thôn Tân Long, xã Thành Vĩnh.

Do ông Nguyễn Trọng T là con út trong gia đình ở với bố, mẹ nên thửa đất này cụ Y và cụ Ph để cho vợ, chồng ông T đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi cụ Y và cụ Ph còn sống thì các cụ có chuyển nhượng cho bà L 5m đất mặt đường chiều sâu hết đất, bà Đ 10m mặt đường, chiều sâu hết đất.

Năm 2021, ông T và bà H chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng L 6,2m đất mặt đường chiều sâu hết đất và chuyển nhượng cho ông Lê Đăng Th 5m đất mặt đường. Hiện nay, thửa đất còn lại 26,8m đất mặt đường. Khi cụ Y và cụ Ph còn sống thì ngày 28/02/2016, gia đình đã tổ chức họp gia đình và thống nhất tài sản của cụ Y và cụ Ph còn lại gồm: 100.000.000 đồng tiền mặt, 7 chỉ vàng và 5,5m đất mặt đường là tài sản của cụ Y và cụ Ph chưa chia cho ai.

Ông Nguyễn Trọng C yêu cầu Tòa án giải quyết xác định 5,5m đất mặt đường phía giáp thửa đất của ông Lê Đăng Th, chiều sâu hết đất là tài sản thừa kế của cụ Y và cụ Ph và yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế theo pháp luật cho anh, chị em ở hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y và cụ Ph.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND huyện Thạch Thành nhận định: Ông T, bà H đã sử dụng đất ổn định, việc này cụ Y, cụ Ph và các con của cụ Y, cụ Ph đều biết và không có ý kiến gì là không chính xác. Bởi, trong suốt quá trình sử dụng đất từ năm 2001, ông T, bà H đã chuyển nhượng cho bà L, bà Đ, ông L, ông Th. Trong đó, việc chuyển nhượng cho bà L và bà Đ tại thời điểm cụ Y, cụ Ph còn sống. Mặc dù, tất cả hồ sơ chuyển nhượng đều do ông T, bà H ký kết thực hiện nhưng đều phải có sự đồng ý của cụ Ph và cụ Y. Số tiền nhận chuyển nhượng cũng do 2 cụ định đoạt để chia cho các con.

Như vậy, cụ Y, cụ Ph và các con đều biết và không có ý kiến tranh chấp do vẫn được đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, tại biên bản họp gia đình ngày 28/02/2016 có ghi “tài sản của cụ Y, cụ Ph còn 5,50m đất mặt đường do quyền của ông bà quyết định”. Ông T cũng ký vào Biên bản này, tức là cũng thừa nhận toàn bộ nội dung biên bản này. Việc ông T cho rằng ký vào vì chỉ thừa nhận đối với số tiền và vàng mà không thống nhất đối với diện tích đất là không có cơ sở chấp nhận.

Ngoài ra, bản án nhận định, do không xác định rõ 5,5m đất nằm ở vị trí nào của thửa đất, kích thước cụ thể như thế nào để bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở vững chắc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các đương sự.

Từ các nhận định trên, có thể thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của cụ Y và cụ Ph là không có căn cứ. Xét thấy vụ án cần được giải quyết lại để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự trong vụ án, VKSND huyện Thạch Thành đã ban hành kháng nghị đề nghị TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm là có căn cứ.       

Kết quả, ngày 15/01/2024, TAND tỉnh Thanh Hoá đã mở phiên tòa xét xử phúc phẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

 

 

Đinh Huê, Nguyễn Tuấn