VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện Cấp cao 1) vừa ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, đối với phạm nhân Phan Sào Nam, bị kết án về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 110/2019/HSPT ngày 12/3/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo đó, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm xét thấy: Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ - TA ngày 29/4/2020 và Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80/QĐ -TA ngày 4/2/2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ theo quy định pháp luật, bởi lẽ:
Đối với Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ- TA ngày 29/4/2020 của TAND tỉnh Quảng Ninh đã giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân Phan Sào Nam: Căn cứ Điều 63, 64 Bộ luật Hình sự; Điều 38 Luật thi hành án hình sự; khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có mức án 5 năm, ngoài điều kiện đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất sáu tháng hoặc hai quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Nhưng thực tế, Nam chỉ mới được xếp loại khá quý III/2019, còn quý IV/2019, Nam bị xếp loại trung bình. Như vậy, ngoài việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, Nam đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt là “Lập công”.
Tuy nhiên, qua tài liệu xác minh về tình tiết “Lập công”, cho thấy: Tại Văn bản số 851/GXN-ANĐT ngày 20/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, có nội dung: Cơ quan điều tra đã tiếp xúc, vận động Phan Sào Nam viết thư gửi gia đình Lê Văn Kiên để vận động đối tượng đầu thú. Kết quả, sau khi được gia đình thông báo về việc Phan Sào Nam viết thư vận động Kiên về nước, cùng với sự tác động của Cơ quan An ninh điều tra…. đến ngày 20/10/2019 Lê Văn Kiên đã về nước đầu thú.
Thế nhưng, kết quả xác minh của Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8), VKSND tối cao tại Trại tạm giam và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thể hiện: Tại Biên bản làm việc với cán bộ điều tra vụ án Phan Sào Nam, Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn thuộc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ và Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, xác định: Trong quá trình giam giữ, không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên về nước đầu thú; Điều tra viên cũng như cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn như thế nào; không có tài liệu xác định quá trình giam giữ Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài để vận động đầu thú.
Quyết định Kháng nghị khẳng định: Văn bản số 851/GXN-ANĐT ngày 20/11/2019 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ. Dẫn đến, Văn bản số 01 ngày 25/3/2020 của Trại giam Quảng Ninh đề nghị Hội đồng xét duyệt giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam với tình tiết đặc biệt “Lập công” là không đúng quy định của pháp luật.
Về việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù năm 2020, Quyết định giám đốc thẩm nêu: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 06/2018/TT- BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, để được xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù quý I/2020 đạt loại “khá”, Phan Sào Nam phải “tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra”.
Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra, xác minh thể hiện, Phan Sào Nam đã không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Cụ thể: Theo Thông báo số 109/TB - CTHADS.NV ngày 16/10/2019 của Cục Thi hành án dân sự về việc thông báo kết quả thi hành án dân sự của Phan Sào Nam tính đến ngày 16/10/2019, cho thấy, các khoản Nam đã thi hành là hơn 1.314 tỉ đồng; Các khoản còn phải thi hành, để tịch thu công quỹ Nhà nước là hơn 160 tỉ đồng.
Trong thời gian Phan Sào Nam chấp hành án tại Trại giam Quảng Ninh, Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã bán tài sản là 5 xe ô tô bị kê biên, thu được hơn 5 tỉ đồng, còn lại chưa thi hành.
Tháng 8/2018, tài khoản của Phan Sào Nam và Nguyễn Thị Tâm Chuyên (vợ Nam) tại Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5 triệu USD. Ngày 28/11/2019, Phan Sào Nam đã nhận bản thông báo của Công an Singapore (do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ giao, trong đó ghi rõ tại tài khoản của Phan Sào Nam và Nguyễn Thị Tâm Chuyên ở Ngân hàng DBS Singapore có số tiền là 5.304.328,70 USD và 253.499,60 SGD.
Làm việc với cơ quan An ninh điều tra về việc phong tỏa tài khoản của Phan Sào Nam và vợ tại ngân hàng DBS Singapore, Phan Sào Nam đều không hợp tác để phong tỏa tài khoản này (không chỉ định người đại diện tham gia phiên điều trần; phản đối việc tiếp tục phong tỏa tài khoản).
Làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ cũng thể hiện, Phan Sào Nam không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD tại ngân hàng DBS Singapore để thi hành phần nghĩa vụ hơn 155,1 tỉ đồng còn lại theo quyết định của bản án.
Ngoài các tài sản cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu Nam truy nộp, hiện nay Nam còn 253.499,60 SGD tại ngân hàng DBS Singapore nhưng Nam không khai báo, không tự nguyện, chủ động khấu trừ số tiền này.
Ngoài ra, theo tài liệu hồ sơ phạm nhân thể hiện: Trại giam Quảng Ninh xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam còn căn cứ vào Đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của bà Phan Thu Nga- mẹ của phạm nhân Phan Sào Nam. Tuy nhiên, kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh thì gia đình Phan Sào Nam không thuộc trường hợp có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn.
Theo quy định tại Thông tư 06/2018/TT- BCA ngày 12/2/2018 thì phạm nhân Phan Sào Nam không đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xếp loại cải tạo “Khá” vào các quý của năm 2020.
Từ những căn cứ đó, Quyết định giám đốc thẩm khẳng định, có đủ căn cứ xác định phạm nhân Phan Sào Nam không đủ điều kiện để được hưởng tình tiết “lập công” và xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “Khá” vào các quý I, II, III, IV năm 2020. Việc Trại giam Quảng Ninh đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 30/4/2020 đối với phạm nhân Phan Sào Nam là vi phạm về điều kiện, dẫn đến Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ- TA ngày 29/4/2020 của TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị Trại giam Quảng Ninh, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân Phan Sào Nam là không có căn cứ.
Cũng theo Viện kiểm sát, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80/QĐ- TA ngày 4/2/2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại cho phạm nhân Phan Sào Nam cũng là không có căn cứ.
Theo phân tích của Viện kiểm sát, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2020 trước đó, được xác định không có căn cứ, dẫn đến Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 của TAND tỉnh Quảng Ninh cũng không đủ điều kiện và không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Từ đó, Viện cấp cao 1 đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2020 và số 80 ngày 4/2/2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án, trước đó, theo Bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, Phan Sào Nam là người đại diện theo pháp luật của Công ty VTC online đã tiếp nhận đề nghị của Hoàng Thành Trung, qua tìm hiểu biết Công ty CNC là công ty bình phong của Cục 50 - Bộ Công an nên Phan Sào Nam đã thỏa thuận và ký hợp đồng với Nguyễn Văn Dương là đại diện theo pháp luật của Công ty CNC đứng ra phát hành phần mềm đánh bạc bằng hình thức game Rikvip/Tip.Club khi không có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nam đã ký hợp đồng với Công ty Nam Việt xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet, chỉ đạo các thành viên trong công ty thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip/Tip.Club, chỉ đạo đổi soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí, trả thưởng cho các đối tượng để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỉ đồng.
Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền này, Nam ký các hợp đồng kinh tế, thanh toán hóa đơn khống với các công ty đối tác hưởng phần trăm, còn lại chuyển trả cho Nam. Đây là thủ đoạn để Phan Sào Nam “rửa tiền” với số tiền hơn 548 tỉ đồng.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm, ngày 12/3/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử phạt Phan Sào Nam 2 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3 năm tù về tội “Rửa tiền”; tổng hợp hình phạt buộc Phan Sào Nam phải chấp hành hình phạt chung là 5 năm tù, thời hạn tính từ ngày bị bắt tạm giam 27/10/2017.
Bản án cũng buộc Phan Sào Nam chịu trách nhiệm dân sự, phải nộp thi hành án tổng số tiền hơn 1.475 tỉ đồng.
Trong quá trình thi hành án, đến ngày 29/4/2020, tại Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 của TAND tỉnh Quảng Ninh đã chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân Phan Sào Nam.
Tại Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 ngày 4/2/2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho phạm nhân Phan Sào Nam, ra trại ngày 6/2/2021.
|
|
Trại giam Quảng Ninh. Ảnh: BQN |
Thực hiện chức năng kiểm sát, phát hiện những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thi hành án, ngày 12/4/2021, Vụ 8, VKSND tối cao đã có công văn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 2 Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nêu trên của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Liên quan vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50 bị tuyên phạt 10 năm tù về cùng tội danh trên.
HĐXX tuyên Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty CNC 10 năm tù. Bị cáo Phan Sào Nam bị tuyên phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt tòa tuyên bị cáo Nam 5 năm tù cho cả 2 tội danh. Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán trò chơi trực tuyến, Công ty CNC 3 năm tù về hai tội danh Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc. Bị cáo Đoàn Thị Thu Hà - Kế toán Công ty CNC 4 năm tù cho hai tội danh Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Bị cáo Lưu Thị Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CNC bị tuyên phạt 15 tháng tù, bằng thời gian tạm giam và được tuyên trả tự do tại tòa. Bị cáo Lê Thị Lan Thanh - điều hành Công ty GTS bị phạt 2 năm tù tội Tổ chức đánh bạc và phạt 450 triệu đồng tội Mua bán trái phép hóa đơn. Bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột Phan Sào Nam) và Đỗ Bích Thủy - Giám đốc Công ty Nam Việt, cùng bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
|
Ngày 12/3/2019, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho 13 bị cáo; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo còn lại. Trong đó, hai bị cáo cầm đầu Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) không được giảm án. Hội đồng phúc thẩm xác định, hai bị cáo Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm khác đã phạm tội "Tổ chức đánh bạc" như tòa sơ thẩm tuyên là đúng người, đúng tội, công bằng.
|
Từ ngày 12 đến 30/11 năm 2018, tại TAND tỉnh Phú Thọ, một phiên tòa đặc biệt trong lịch sử tố tụng truy tố 92 bị cáo về các tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, Mua bán trái phép hóa đơn và Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hơn 200 người tham gia tố tụng. Trong đó có 14 nhân chứng, 3 Điều tra viên, hơn 30 luật sư, 73 người, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được triệu tập đến tòa.
|