Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ xảy ra tại địa bàn tỉnh trong năm 2023, VKSND tỉnh Kiên Giang nhận thấy, trong thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
|
|
70 bị cáo trong vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, che giấu tội phạm và tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng xảy tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc bị đưa ra xét xử. |
Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng tồn tại những hạn chế, bất cập; tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt là vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như: vũ khí quân dụng; xu hướng tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, súng, mã tấu, kiếm, đao... để thực hiện tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể: Năm 2022, Cơ quan điều tra hai cấp đã khởi tố 9 vụ án, 35 bị can, tang vật thu giữ 19 khẩu súng và 62 viên đạn về tội Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; tăng 4 vụ so với năm 2021. Năm 2023, Cơ quan điều tra hai cấp đã khởi tố 29 vụ, 64 bị can, tang vật thu giữ gồm 56 khẩu súng và 145 viên đạn quân dụng về tội Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tăng gấp 3 lần so với năm 2022.
VKSND tỉnh Kiên Giang đã kiểm sát việc truy tố 25 vụ, 68 bị can, trong đó năm 2022, truy tố 6 vụ, 31 bị can; năm 2023 truy tố 19 vụ, 37 bị can.
TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử trong năm 2022 và năm 2023 là 21 vụ, 60 bị can, mức án cao nhất là 12 năm tù, thấp nhất là 1 năm tù.
Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử nhận thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói chung và địa bàn huyện Châu Thành, TP Phú Quốc, Rạch Giá nói riêng diễn biến rất phức tạp, tính chất mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng gia tăng theo thời gian. Đa số vũ khí quân dụng là súng đồ chơi nguy hiểm được chế tạo có tính năng, tác dụng tương tự nh: vũ khí quân dụng và thuộc nhóm vũ khí quân dụng; sử dụng khẩu súng bắn vào cơ thể người có thể gây thương tích hoặc tử vong. Các đối tượng đã lợi dụng mạng internet, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện giao thông để vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ. Những đối tượng này hoạt động theo kiểu băng nhóm “xã hội đen” để bảo kê, bao chiếm, tranh chấp đất đai, gây tâm lý bất an trong nhân dân, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh trật tự tại địa phương, điển hình như:
|
|
Trong số 70 bị cáo của vụ án, Nguyễn Văn Thái (tức Thái Bus) được xác định có vai trò cầm đầu. |
- Vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, che giấu tội phạm và tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng xảy ra hồi 10h ngày 27/10/2022, tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. Nhóm của Phạm Anh Hiếu, Đoàn Thiên Long… đến khu vực trên gặp nhóm của Khúc Văn Đoài, Nguyễn Văn Trường,… để giải quyết mâu thuẫn thì xảy ra cự cải, xô xát đánh nhau và sử dụng súng bắn Phan Trọng Hải, Nguyễn Anh Thư tử vong và 6 người khác bị thương.
Cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố 70 bị can (50 bị can tội “Giết người”, 14 bị can tội “Gây rối trật tự công cộng”, 6 bị can tội “Che giấu tội phạm”); Trong đó, có 7 bị can bị truy tố thêm “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Tang vật thu giữ gồm: 3 khẩu súng là vũ khí chế tạo thủ công có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thuộc nhóm vũ khí quân dụng, 1 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm, 30 viên đạn là đạn thể thao và nhiều dao tự chế, rựa, ống tuýp, chỉa… Vụ án trên đã được Tòa án đưa ra xét xử theo quy định pháp luật, mức án cao nhất là tù chung thân.
- Vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng xảy ra ngày 22/8/2022 tại TP Rạch Giá, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”; tang vật thu giữ gồm: 12 khẩu súng chế tạo thủ công, có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thuộc nhóm vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng là công cụ hỗ trợ, 302 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm, 51 viên đạn quân dụng, 249 viên đạn là công cụ hỗ trợ, 81 viên đạn thể thao và nhiều linh kiện khác. Vụ án đã được Tòa án đưa ra xét xử với mức án cao nhất 12 năm tù, thấp nhất 2 năm tù.
- Vụ án Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, xảy ra ngày 1/1/2023, tại trường gà C1 thuộc khu vực ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc; Nhóm của Trần Hồ Ngọc Hoàng, Trần Văn Hiền, Lê Tuấn Anh… mang theo 14 khẩu súng (10 khẩu súng hình bút, 4 khẩu súng hoa cải) và 40 viên đạn đi trên 2 chiếc xe ô tô 7 chỗ đến trường gà thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng và sử dụng súng bắn chỉ thiên.
|
|
Lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Hồ Ngọc Dũng cùng tang vật là 6,5 kg thuốc nổ TNT. |
Tiến hành điều tra, khám xét các đối tượng liên quan, Cơ quan điều tra đã thu giữ tang vật gồm: 5 khẩu súng hình bút, 3 khẩu súng hoa cải (kết luận giám định là vũ khí quân dụng), 26 viên đạn thể thao và nhiều dao tự chế, ống tuýp sắt, búa… Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Trần Hồ Ngọc Hoàng, Lê Tuấn Anh, Trần Văn Hiền, Nguyễn Văn Dĩ… về tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, quy định tại khoản 3 Điều 304 Bộ luật Hình sự. Hiện vụ án đang được Tòa án thụ lý xét xử theo quy định.
- Vụ Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vậy liệu nổ xảy ra tại TP Phú Quốc với 2 bị can. Các bị can đã chế tạo trái phép vật liệu nổ nhằm mục đích đánh bắt hải sản tại vùng biển xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc. Khi bắt các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ 18 khối hình cầu là thuốc nổ Tritonal, tổng khối lượng thuốc nổ là 1513,6 gam; 1 cuộn dây cháy chậm màu đen dài 6,85m; 68 ống kim loại màu trắng hình trụ tròn là kíp nổ đốt số 8; 7 sợi dây màu đen dài 10cm hai đầu có gắn 2 ống kim loại màu trắng hình trụ tròn dài là dây cháy chậm và kíp nổ đốt số 8. Hiện, vụ án đang được điều tra làm rõ.
Nguyên nhân gia tăng tội phạm
Nguyên nhân dẫn đến tội phạm trên xuất phát từ các băng nhóm tội phạm, nhất là nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, núp bóng doanh nghiệp, công ty bảo vệ để bảo kê, bao chiếm đất đai, tranh chấp, tranh giành đất thuê, đòi nợ thuê; một số đối tượng mua súng nhằm mục đích phòng thân, khi có chuyện thì đem ra giải quyết mâu thuẫn…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt đối tượng, nhất là đối tượng ở địa phương khác đến để có biện pháp đấu tranh, trấn áp các băng nhóm tội phạm. Các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện giao thông chưa quan tâm, buông lỏng việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa để các đối tượng lợi dụng vận chuyển vũ khí quân dụng (chiếm 90%).
Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa được duy trì thường xuyên, do vậy, hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên chưa đạt kết quả cao.
Vũ khí mà các đối tượng trong các vụ án trên tàng trữ đều được mua trên mạng internet và mục đích tàng trữ là để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc truy nguyên nguồn gốc của vũ khí hầu như không thể thực hiện được, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định tình hình trật tự, trị an nói chung và ảnh hưởng đến công tác quản lý vũ khí của cơ quan chức năng nói riêng.
Ngoài ra, còn nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả thấp.
Cùng với đó, tình trạng mua, bán các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ diễn ra công khai trên mạng internet và mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube) ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp, tinh vi, khó phát hiện, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm khác khi sử dụng các loại vũ khí, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Kiến nghị phòng ngừa tội phạm
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, hàng năm, Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang đều kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang áp dụng các biện pháp để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tình hình trị an tại địa phương, như:
Chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, như: Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng… để cán bộ và nhân dân biết, tự giác chấp hành đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh thực hiện nghiêm nội dung văn bản số 1525/UBND-NC ngày 2/11/2020 và văn bản số 485/UBND-NC ngày 19/4/2021 về tăng cường thực hiện công tác quản lý và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện nghiêm túc.
|
|
Đối tượng Đặng Quốc Ánh cùng tang vật hơn 229 khẩu súng các loại bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ trong một chuyên án hồi tháng 10/2022. |
Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự và công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo tại địa phương; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương khi để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.
Công an tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm hình sự đang nổi lên và có xu hướng gia tăng, nhất là các nhóm đối tượng sử dụng hung khí, vũ khí, vật liệu nổ giải quyết mâu thuẫn. Chủ động tham mưu triển khai các phương án thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tàng trữ trái phép ngoài xã hội. Thường xuyên mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương.
Lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các Đồn Biên phòng, lực lượng Hải quan tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực Cửa khẩu, các bến cảng, bến tàu đi và đến TP Phú Quốc, huyện Kiên Hải để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động internet; rà soát, đề nghị gỡ bỏ các trang web có đăng tải nội dung giới thiệu, mua bán và hướng dẫn phương pháp chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, pháo sáng, đồ chơi nguy hiểm...
Các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa đầu tư mua sắm máy soi, đặt tại bến cảng, bến tàu để kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và pháo. Quy định rõ trách nhiệm đối với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong việc vận chuyển hàng hóa, chuyển phát nhanh phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về hàng hóa khi thực hiện hợp đồng vận chuyển; nắm rõ thông tin về lý lịch nhân thân người gửi, người nhận để kịp thời phát hiện, trình báo cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.